Nhận diện nguyên nhân “sốt” đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trao đổi với PLVN, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra một số nguyên nhân khiến giá đất tại một số tỉnh, thành trên cả nước gần đây “sốt” giá bất thường; đồng thời cho biết, cơ quan này đã và sẽ có những biện pháp cần thiết để can thiệp.
Hình ảnh môi giới tập trung tại một dự án chào mời khách trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) - nơi đang xảy ra tình trạng sốt đất...
Hình ảnh môi giới tập trung tại một dự án chào mời khách trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) - nơi đang xảy ra tình trạng sốt đất...

Kiểm tra quản lý đất đai tại 26 tỉnh, thành 

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Theo đó, các địa phương chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ này trước ngày 31/5/2021.

Nói về nguyên nhân “cơn sốt” đất đang diễn ra tràn lan trên toàn quốc, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, nguyên nhân “sốt” đất có thể kể: Thứ nhất, theo Luật Quy hoạch 2017, đây là thời điểm các địa phương triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030. Thực tế có quy hoạch đã được phê duyệt nhưng cũng có nhiều ý tưởng dự kiến, trong đó có những thông tin về chủ trương, định hướng thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, nâng cấp đô thị. 

Nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp... được thông tin dự kiến triển khai như việc thành lập TP Thủ Đức, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dự kiến thành lập thành phố biển Cần Giờ... Dù đã chính thức triển khai hoặc chỉ là dự kiến thì các dự án cũng đem đến kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Thứ hai, hiện lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán. Cũng có hiện tượng nhà đầu tư chứng khoán hiện thực hóa lợi nhuận chuyển sang bất động sản.

Thứ ba, với những thành công trong phòng chống Covid-19, Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, thu hút luồng dịch chuyển vốn, trong khi nguồn khu công nghiệp, khu chế xuất chưa mở rộng được nhiều.

Ngoài ra, cũng có yếu tố từ thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu “ấm” trở lại, trong khi nguồn cung các dự án phát triển nhà ở giảm mạnh, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân mang tính tiêu cực, đó là yếu tố đầu cơ và những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã “thổi giá” lên cao kiếm lời.

Ông Chính cho biết thêm, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại 26 tỉnh, thành phố trong năm 2021.

Trong đó, Tổng cục sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 1/7/2014, tại 13 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An. Riêng tại Hà Nội, TP HCM, Tổng cục kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...

Nhiều tỉnh, thành kiềm chế “cơn sốt” đất

Nhằm kiềm chế sốt đất ảo, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu cấp ủy, UBND các quận, huyện tăng cường quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng công trình trái phép...

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cảnh báo người dân cảnh giác trước các “cơn sốt” đất ảo trên địa bàn; cung cấp kịp thời thông tin về quy hoạch, thủ tục pháp lý, tiến độ triển khai… của các dự án kinh doanh hạ tầng đất ở, nhà ở cho các tổ chức, cá nhân được biết.

Chủ tịch UBND các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để phát sinh tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao, cho thuê, đấu thầu đất trái quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp…

Tương tự, tại Bắc Giang, UBND tỉnh này yêu cầu UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, xây dựng cơ chế khuyến khích phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật đất đai; khi phát hiện các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích, tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất phải có trách nhiệm chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý ngay và xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Tại Quảng Trị, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.

Đồng thời, các địa phương phải tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất... Đặc biệt, cần tuyên truyền cho nhân dân địa phương đề cao cảnh giác về các hành vi lừa đảo, mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật gây “sốt” giá, ảo giá.

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu biện pháp ngăn chặn hạn chế “sốt” đất

Thủ tướng vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu thông tin liên quan đến tình trạng “sốt” đất ở nhiều địa phương.

Trước phản ánh của báo chí về ý kiến “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, Nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực”, Thủ tướng giao Bộ TN&MT phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý.

Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT nghiên cứu, đánh giá ý kiến không cần quá lo lắng về vấn đề mức giá mà nên có hành lang pháp lý để quản lý tài nguyên đất theo đúng yêu cầu thị trường.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng chiếm đất ven sông Hồng. Thực trạng hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đang để tình trạng chiếm dụng đất ven vùng quy hoạch, không chỉ đe dọa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong công tác phòng, chống lũ lụt.

Trước đó, theo quan điểm của lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tình trạng “sốt” ảo bất động sản phần lớn do nhiễu loạn thông tin. Khi có thông tin về quy hoạch hạ tầng, đô thị, giới đầu cơ ngay lập tức lợi dụng để tung tin, thổi giá. Do đó, biện pháp để ngăn “sốt” đất là có được cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất. Gia Hường

Đọc thêm