Nhân lực chất lượng cao

(PLVN) - Mới đây, khi dự và chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, diễn ra tại TP Quy Nhơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định phải hết sức chú trọng chăm lo việc đào tạo nguồn nhân lực, bởi chất lượng của nguồn nhân lực mới chính là yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng chia sẻ, khi ông còn giữ cương vị lãnh đạo ở một số địa phương, nhận thấy các nhà đầu tư thường đặt ra những câu hỏi, như địa phương có đủ nguồn nhân lực không, có lao động chất lượng cao không. Thậm chí có nhà đầu tư còn hỏi địa phương có cán bộ giỏi không. Đó có thể là giỏi tiếng Anh, giỏi kinh doanh quốc tế, quản trị hiện đại.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đang là vấn đề quan trọng. Từng có thời gian, một số nơi thường đánh giá “lao động giá rẻ” là một yếu tố đáng “tự tin”. Nhưng đến nay, yếu tố đó đã không còn là “thế mạnh”. Trong thời Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu và rộng như hiện nay, tình hình đã khác.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội. Để “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, không thể thực hiện bằng “lao động giá rẻ”, nhân lực chất lượng thấp. Chính vì thế, nhân lực chất lượng cao được xác định là “đột phá chiến lược” thứ 2 trong 3 đột phá chiến lược.

Đảng ta xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, giữa các thành phần kinh tế. Ở đâu có chính sách, cơ chế sử dụng, đãi ngộ nhân tài tốt thì chất xám sẽ dịch chuyển đến đó.

Do vậy, chỉ đạo của Phó Thủ tướng không chỉ dành riêng cho Bình Định; mà trở thành sự quan tâm chung của cả nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương. Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, Phó Thủ tướng nêu rõ cần có sự hợp tác hai chiều, “cùng thắng” trong đào tạo nguồn nhân lực giữa địa phương và các nhà đầu tư, tránh tình trạng bên này chờ bên kia hội tụ đủ các yếu tố cần thiết. Ví dụ, phía Việt Nam đảm nhiệm phần đào tạo cơ bản, còn các nhà đầu tư có thể gửi nhân lực đi đào tạo thành chuyên gia ở nước ngoài và đào tạo công nhân ngay trong quá trình xây dựng dự án.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Câu nói của một bậc danh nhân đã có từ hàng trăm năm, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự. Mọi quốc gia, mọi tổ chức muốn phát triển bền vững thì đều phải chú trọng đào tạo nhân lực.

Đọc thêm