Nhân lực là chìa khóa để Việt Nam phát triển bền vững

(PLVN) - Diễn đàn Bền vững Việt Nam (VSF) 2019 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (APD) chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ KH&ĐT đã diễn ra trong hai ngày 17-18/1 tại Hà Nội.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Hoặc tăng trưởng nhanh hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra một cách rất nhanh chóng và mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng nhiều thách thức cho các quốc gia.

Trong xu hướng đó, mô thức phát triển bền vững đang trở thành lựa chọn phổ biến của các nước, trong đó có Việt Nam. Theo ông Mạnh, nhận thức rõ tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường là “mục tiêu kép” của đất nước, ngay từ năm 2004, Việt Nam đã ban hành Chương trình Nghị sự 21, trong đó định hướng phát triển bền vững của Việt Nam gắn với 3 lĩnh vực quan trọng là kinh tế, xã hội và môi trường. 

Chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng xác định trên cơ sở 3 khâu đột phá mang tính chiến lược nhằm tạo những tiền đề để cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhấn mạnh hướng bền vững.

“Có thể nói phát triển bền vững đã trở thành một phương thức phát triển liên ngành, thành chương trình hành động tại Việt Nam với rất nhiều các tiêu chí cũng như hành động cụ thể”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Việt Nam hiện nay đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. “Quá trình phát triển chung đã tạo ra vị thế, uy tín mới cho Việt Nam trên trường quốc tế được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, ông nói.

Việt Nam đang ở giai đoạn hết sức quan trọng “hoặc là có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, tiếp tục duy trì được đà phát triển để trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao vào cuối năm 2030 hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, không thoát ra được khỏi tình trạng mức độ phát triển như hiện nay nếu không  giải quyết tốt vấn đề an sinh, ổn định xã hội, môi trường, phân bổ nguồn lực hợp lý”.

Do vậy, trong thời điểm hiện nay, Việt Nam xác định cần thay đổi tư duy sang “phát triển để ổn định” thay cho quan điểm trước đây là “ổn định để phát triển”. 

Tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết thêm rằng Việt Nam cũng đang rất trăn trở với việc xác định các nội dung quan trọng để đưa vào Chiến lược phát triển 2021 - 2030 tới.

Trong đó, Việt Nam xác định tập trung vào 5 lĩnh vực quan trọng, quyết định là nguồn nhân lực; các chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh hiệu quả; các giải pháp về môi trường và tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cũng như các đổi mới, sáng tạo để tạo động lực mới cho nền kinh tế nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

“Để bảo đảm phát triển bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khóa của thành công”, ông nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn, GS. Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch AVSE Global - cũng cho rằng việc tăng trưởng nhanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn lực con người, nhất là khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chủ đạo trong sản sinh giá trị gia tăng.

Chỉ rõ con người là nhân tố quyết định đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp, theo GS. Khương, một chiến lược tập trung vào chất lượng “vốn con người” sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công với xu thế phát triển bền vững và chuyển đổi số.

“Thiếu con người tốt và thiếu đầu tư vào “vốn con người” sẽ đưa đến thua thiệt trong hội nhập, cạnh tranh, bỏ lỡ cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 và khó có thể bứt phá, ngay cả khi có bộ máy tốt và nhiều ý tưởng kinh doanh hay”, GS. Khương nêu quan điểm. 

Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2018, bà Wiesen Caitlin - Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) - tại Việt Nam cho rằng tăng trưởng bền vững đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới hơn nữa và các hướng tiếp cận mới để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển sang cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2019 có chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững”, thu hút khoảng 400 đại biểu tham gia. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chia sẻ những ý tưởng, biện pháp và kinh nghiệm cũng như xu hướng toàn cầu để hướng đến một xã hội bền vững như xây dựng nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững; nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững; thực hiện chính sách đối phó với biến đổi khí hậu – Các ứng dụng nổi bật và hợp tác trong khu vực; các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo bền vững môi trường tại Việt Nam; Cách mạng công nghiệp 4.0 và các tác động tới phát triển kinh tế và xã hội…

Đọc thêm