Văn hóa & Pháp luật

Nhân lực - yếu tố quan trọng để phát triển văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một trong những yếu tố được đề cao trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 chính là vấn đề về phát triển nguồn nhân lực cho ngành Văn hóa. Những năm qua, đã có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực này đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đất nước trong thời kì mới.
Trao nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho anh Phan Văn Út. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Trao nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho anh Phan Văn Út. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Thực trạng nhân lực ngành Văn hóa nước ta

Theo thống kê của ngành Văn hóa, trên cả nước hiện có 75 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm 69 Trung tâm Văn hóa, 4 Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và 2 Trung tâm Thông tin - Triển lãm; cấp quận, huyện có 613/709 huyện có Trung tâm văn hóa hoặc Nhà văn hóa cấp huyện; 5.966/11.198 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Cả nước có 61 Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 628 đội cấp huyện. Tất cả các xã, phường, thị trấn trên cả nước đều bố trí ít nhất 1 cán bộ công chức chuyên trách Văn hóa - Xã hội. Nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung là hơn 72.000 người; nguồn nhân lực gián tiếp, có hoạt động trong các ngành có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao là khoảng 150.000 người.

Đó là một con số không phải là nhỏ, tuy nhiên, nếu tính trên thực tế, nguồn nhân lực trong ngành văn hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa đất nước trong thời kì mới cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nếu tính về số lượng, số lượng cán bộ văn hóa hiện nay vẫn đang thiếu, nhất là trong những ngành nghệ thuật. Có thể kể đến sự thiếu hụt lực lượng giáo viên - giảng viên đứng lớp giảng dạy tại các trường đào tạo về văn hóa hoặc lực lượng biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương. Sâu xa hơn, thực trạng thiếu giáo viên đến từ thực trạng... thiếu sinh viên của các ngành đào tạo nhân sự văn hóa. Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng rất nhiều đơn vị đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu hằng năm, nhiều trường phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên, hoặc không có sinh viên theo học.

Trong lĩnh vực nghệ thuật cổ truyền như cải lương, ca cổ, tuồng, chèo... rất khan hiếm nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ tuổi. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chiếm tỉ lệ rất thấp, từ 25 - 30 tuổi cũng chưa đến 50%. Nhiều năm qua, một số nhà hát chuyên biểu diễn nghệ thuật cổ truyền như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam... thiếu chỉ tiêu vì không tuyển được người, số lượng đào, kép trẻ chiếm rất ít ỏi không đủ đáp ứng nhu cầu biểu diễn.

Cạnh đó, còn có chất lượng qua đào tạo nhân sự không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền, thiếu nhân sự chất lượng cao. Đó đây, còn có tình trạng các cán bộ tham gia quản lý văn hóa “gây hại” cho văn hóa địa phương bởi cách quản lý cứng nhắc, thiếu hiểu biết.

Những năm gần đây, một tín hiệu đáng mừng là sự tham gia của các cơ sở đào tạo nghệ thuật ngoài công lập. Nhiều công ty chuyên đào tạo nghệ sĩ đã xuất hiện tại các thành phố lớn, với sự tham gia của các giảng viên uy tín trong nước và quốc tế, thu hút lượng lớn người tham gia. Đây cũng là một trong những nguồn cung ứng nhân lực có chất lượng đáng lưu ý cho hiện tại và trong tương lai.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ có nhiều mối quan hệ trực tiếp với những trường đào tạo nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới về các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc. Trong năm tới, Bộ sẽ xúc tiến chương trình đào tạo với độ tuổi nhỏ hơn đối với ngành xiếc, múa.

Về vấn đề bổ nhiệm nhân lực ngành Văn hóa tại các địa phương, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, nhiều nơi chưa đủ cán bộ nhưng cả tỉnh, thành phố đã đặc biệt chú ý tới nhân lực ngành Văn hóa. Nhiều địa phương đã có định hướng và Đề án phát triển văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, thành phố văn hóa, giảng dạy âm nhạc truyền thống trong trường học... Đây là định hướng hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Giải pháp phát triển nguồn lực con người

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.

Những năm qua, nguồn nhân lực sáng tạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực, làm nên thành công bước đầu của ngành công nghiệp văn hóa nước ta. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng cạnh đó, như đã nói, nguồn nhân lực đó đây vẫn rơi vào tình trạng thiếu và yếu, cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa nước ta.

Thời gian qua, đã có không ít chuyên gia trong lĩnh vực “hiến kế” các giải pháp phát triển nguồn lực con người cho công nghiệp văn hóa. Yếu tố quan trọng thường được nhắc đến là việc xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm văn bản pháp luật phù hợp với tình hình mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đào tạo văn hóa nghệ thuật trong thời kì số hóa.

Cạnh đó, còn cần có những chiến lược tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa “đầu vào” và “đầu ra” trong đào tạo. Đặc biệt, nâng cao kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý, lực lượng biểu diễn là rất cần thiết trong kỉ nguyên số.

Một trong những yếu tố được chú trọng là phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian, những già làng, trưởng thôn bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, rất cần có chính sách động viên, khích lệ phù hợp đối với đội ngũ này. Năm 2022, cả nước có 64 cá nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Vấn đề nan giải đặt ra hiện nay là số nghệ nhân đang dần mai một đi, các thế hệ kế cận ít, chưa thể đảm đương những vai trò quan trọng.

Thế nên, rất cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân nhanh chóng và kịp thời. Cạnh đó, ngoài những nghệ nhân đã được biết đến, được vinh danh, còn rất nhiều “hạt ngọc quý” ẩn trong dân gian. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý văn hóa địa phương một cách sâu sát, có thể “đãi cát tìm vàng”, mở rộng nguồn nghệ nhân dân gian để cống hiến cho sự phát triển văn hóa đất nước.

Một ví dụ tiêu biểu là sự tôn vinh đối với Nghệ nhân Nhân dân Trường Út ở Cần Thơ mới đây. Vốn là ông chủ một quán nhỏ bình dân bán bún riêu, ven đường, với sự say mê đờn ca tài tử, anh Trường Út đã liên tục nỗ lực, đeo đuổi giấc mơ, đồng thời tích cực truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ cũng như người lớn tuổi yêu thích đờn ca tài tử. Từ “hạt cát vô danh” đến “Nghệ nhân Nhân dân” là cả một quá trình đầy nhiệt huyết, đầy tình yêu với nghệ thuật dân tộc của anh Trường Út, nhưng cũng là công lao của ngành Văn hóa Cần Thơ đã tích cực tìm kiếm, ghi nhận những người có đóng góp cho văn hóa nghệ thuật cổ truyền.

Cạnh đó, lực lượng già làng, trưởng bản trong đồng bào các dân tộc thiểu số cũng rất cần được phát huy vai trò, bởi đây chính là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, góp phần gìn giữ những vốn quý văn hóa dân tộc. Những năm qua, trên khắp cả nước, nhiều già làng, trưởng bản đã tích cực phát huy vai trò của mình như một “cán bộ văn hóa” đầy sâu sát và hiệu quả.

Có thể thấy, yếu tố con người là rất cần thiết để phát triển nền văn hóa đất nước trong thời kì mới. Để có được nguồn nhân lực mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, việc thay đổi tư duy, thực hiện các giải pháp đồng bộ là rất quan trọng, như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đặt ra.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng nhằm tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, với các giải pháp như: Có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ, theo chuẩn quốc tế cho hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật; Đổi mới phương thức đào tạo, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo cho các ngành văn hóa, nghệ thuật; Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, phù hợp bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, tăng phụ cấp giảng dạy, phụ cấp biểu diễn cho giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh...