Nhân nhựa và nỗi ám ảnh mang tên thời đại

(PLVN) - Tuy là một chiến dịch truyền thông, nhưng hình tượng của loài sinh vật nửa người nửa nhựa đến từ tương lai mang tên “Nhân Nhựa” đã thực sự gợi về tương lai tăm tối của nhân loại, khi con người hấp thụ quá nhiều vi nhựa.
Mũ bảo hiểm người dân ném xuống sông Sài Gòn đang trong quá trình phát sinh ra hạt vi nhựa.

Ai đang ngày ngày bức tử sông Sài Gòn?

Việt Nam đứng top 4 trong quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên toàn thế giới với 1.8 triệu tấn rác thải, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ 41.3 kg nhựa/năm, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. 

Tại TP.HCM, trong 250.000 tấn rác thải nhựa thì có 48.000 tấn được đem đi chôn lấp, hơn 200.000 tấn được tái chế hoặc thải thẳng ra môi trường. Sông Sài Gòn - con sông có lượng rác thải nhựa đứng thứ 5 tại Việt Nam và thứ 45 trên thế giới, lượng rác thải nhựa đổ ra sông vào tháng 3 năm 2018 ghi nhận là từ 5.6 đến 10.3 tấn nhựa/ tháng. Dựa theo con số này, lượng nhựa hằng năm ước tính rơi vào khoảng 7.500 - 13.000 tấn/năm.

Cụ thể, hiện nay nguồn nước sông Sài Gòn đang nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ bởi do các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội mà còn bởi sự thiếu ý thức của người dân khi thẳng tay vứt rác thải xuống sông, nhất là rác thải nhựa.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE - thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM), thì trung bình một người dân sống ở TP.HCM thải từ 350g đến hơn 7,2 kg rác nhựa ra kênh rạch và các hệ thống sông mỗi năm.

Trong 1 m3 nước sông Sài Gòn có 10 đến 233 mảnh nhựa và trong 1 lít nước có khoảng 172 đến 519 sợi nhựa từ các loại vải nhân tạo, vải tổng hợp, hộp xốp… Mỗi lít nước sông Sài Gòn đổ ra biển có lượng vi nhựa gấp 1.000 lần sông Seine ở Paris. Tùy mỗi mùa mà số lượng vi nhựa dạng sợi trên dao động từ 22 đến 519 sợi vi nhựa/ lít sông. 

Đây là chỉ số khá cao vì với cùng mật độ dân số và phương pháp lấy mẫu giống nhau, nhưng trong 1m3 nước sông Seine ở Pháp chỉ có 0,28-0,47 mảnh nhựa và có từ 3-106 sợi vải/lít nước. Điều này cho thấy, với hành vi vô ý thức của mình khi xả thải, nhất là xả thải rác thải nhựa thì mỗi người dân của TPHCM đang góp phần “giết chết” sông Sài Gòn.

Năm 2050, khoảng 99% chim biển “phải” tiêu thụ nhựa

Không nói cũng biết tác hại của nhựa và hạt vi nhựa nguy hại như thế nào với đời sống của các sinh vật và con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Microplastics (vi nhựa) được hiểu là những miếng nhựa rất nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, có thể nhìn bằng mắt thường và gây ra tác động tiêu cực đến đại dương, sinh vật dưới nước cũng như môi trường.

Vi nhựa sơ cấp là nhựa được chú ý thiết kế với kích thước rất nhỏ gọi là microbeads, có nhiều trong các sản phẩm sức khỏe và làm đẹp như kem đánh răng, bột giặt, mỹ phẩm…, hoặc trong công nghệ phun khí để làm sạch rỉ sét, sơn keo máy móc, động cơ, vỏ thuyền. Vi nhựa thứ cấp là những mảnh nhựa rất nhỏ sản sinh từ sự phân hủy của các mảnh vụn nhựa lớn hơn, do các tác nhân vật lý, sinh học và hóa học gây ra.

Theo Tổ chức National Geographic, khoảng 700 loài sinh vật biển đã chịu những ảnh hưởng từ ô nhiễm rác nhựa như  rùa biển, cá voi, cá heo, hải cẩu, sư tử biển và chim biển. Mỗi năm, có 100.000 sinh vật biển chết do ô nhiễm rác thải nhựa. 56% các loài cá heo và cá voi đã ăn phải nhựa. Ước tính đến năm 2050, khoảng 99% chim biển đều tiêu thụ nhựa. Việc tiêu thụ nhựa làm giảm tuổi thọ và khả năng sinh sản của các loài sinh vật. 

 Rác thải  ở sông Sài Gòn dưới chân cầu Bình Triệu (ảnh chụp tháng 12/2019).

Với con người, hạt vi nhựa có thể tồn tại trong muối ăn, nước uống hoặc bay trong không khí. Hàng tuần, mỗi người chúng ta đều có nguy cơ “thưởng thức” 5g hạt vi nhựa thông qua quá trình ăn uống. Thông qua chuỗi thức ăn, con người sẽ có nguy cơ tích tụ các chất độc hại do ăn các loại thủy hải sản, muối ăn, uống nước có vi nhựa hoặc hít phải vi nhựa trong không khí nên khiến con người mắc phải các bệnh như: tim mạch, hệ miễn dịch và hệ thần kinh; ảnh hưởng đến các hormone sinh sản đặc biệt ở phụ nữ; tăng sự phát triển của các tế bào ung thư và nâng cao mức độ mắc bệnh ung thư.

Đừng để “Nhân Nhựa” sống dậy

Như đã nói ở trên, với hành vi vô ý thức của mình khi xả thải, nhất là xả thải rác thải nhựa thì mỗi người dân của TPHCM đang góp phần “giết chết” sông Sài Gòn. Hành vi xả thải có thể chỉ mất 1 giây, 1 phút, nhưng phải mất rất nhiều thời gian, thiên nhiên mới thôi bị “ám ảnh” bởi hành vi này.

PGS-TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, nếu rác hữu cơ có thời gian phân hủy chỉ 7-15 ngày thì những vật dụng gắn bó với đời sống con người như bàn chải đánh răng, tã dùng một lần, chai nước nhựa có thời gian phân hủy lên đến 500 năm.

Khi các loại rác thải nhựa này theo dòng nước trôi xuống sông thì một phần sẽ trôi ra biển và một phần sẽ lắng đọng lại, chìm xuống đáy sông. Và quá trình phân hủy không làm cho nhựa biến mất mà chuyển thành những hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm mà mắt thường không thể nhìn thấy. Theo quy luật tuần hoàn, khi các hạt vi nhựa được các loài động vật sinh sống ở dưới nước ăn vào, tích tụ trong cơ thể và khi con người sử dụng chúng làm thực phẩm thì con người lại nhiễm hạt vi nhựa.

Từ thực tế nguy hiểm này mà Tổ chức Change phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp chính thức khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên “Nhân Nhựa,” với thông điệp xuyên suốt “Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai.

”Chiến dịch này là một hợp phần của dự án COMPOSE - “Xây dựng Hệ thống quan sát Chất thải nhựa trong Xã hội và Môi trường” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng với mục tiêu xây dựng một hệ thống quan trắc sự chuyển động về mặt xã hội và môi trường của nhựa tại Việt Nam, để đưa ra những dữ liệu đáng tin cậy và các kiến thức khoa học cho phép phổ biến những thông tin có thể được kiểm chứng nhằm nâng cao nhận thức và góp phần vào các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa. 

“Nhân Nhựa” là một chiến dịch truyền thông lấy hình tượng chủ đạo là thế giới viễn tưởng, khi những nhà khoa học ở hiện tại phát hiện ra một thông điệp cảnh báo của loài sinh vật nửa người nửa nhựa đến từ tương lai mang tên “Nhân Nhựa” về tương lai tăm tối, khi con người hấp thụ quá nhiều vi nhựa. 

Chiến dịch “Nhân Nhựa” gồm 3 giai đoạn trải dài từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021; với giai đoạn I (30/10 - 18/11) là cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác nhựa trên sông Sài Gòn, giai đoạn II (19/11 - 27/12) sẽ cung cấp những kiến thức ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam, và giai đoạn III (tháng 2/2021) khuyến khích  công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. 

Cùng nhà khoa học tìm hiểu về ô nhiễm nhựa và vi nhựa tại sông Sài Gòn

Trong khuôn khổ của chiến dịch “Nhân Nhựa” sẽ có trang mạng trực tuyến với tên miền https://www.nhannhua.com nơi mọi người có thể cùng nhà khoa học tìm hiểu thông tin về thực trạng ô nhiễm nhựa và vi nhựa tại Việt Nam và đặc biệt là tại sông Sài Gòn. Video hoạt hình tên “Nhân Nhựa”, kể về hành trình của các nhà khoa học tìm hiểu nguồn gốc của loài sinh vật “Nhân Nhựa”.

Qua đó, giúp mọi người hiểu hơn về quá trình tiêu thụ và xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Hai bộ tranh sinh động cung cấp khái niệm chi tiết về vi nhựa và phản ánh thực trạng ô nhiễm vi nhựa trên sông Sài Gòn tại TP. Hồ Chí Minh sẽ ra mắt vào tháng 11 trên fanpage của Tổ chức Change. 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với giới khoa học để có những cơ sở đáng tin cậy hơn nữa cho các thông điệp của chúng tôi.

Tôi hy vọng rằng, các nghiên cứu khoa học nghiêm túc của nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp và người Việt trong dự án COMPOSE, kết hợp với tính sáng tạo của chiến dịch qua hình tượng Nhân Nhựa sẽ đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ và có tính thuyết phục hơn để mọi người cùng thay đổi thói quen dùng đồ nhựa dùng một lần, nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính mình và của môi trường sống”.

Đọc thêm