Nhiệm vụ đặc biệt
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trong quá trình công tác tại Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tập thể bệnh viện luôn chú trọng thực hiện một “nhiệm vụ đặc biệt” đó là: Giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới trở thành bệnh viện không rác thải nhựa đầu tiên của phái bộ, dù khó khăn thế nào cũng phải thực hiện bằng được...
Do đó, sau khi ổn định địa bàn, thích nghi với môi trường mới, ngoài hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, các sĩ quan Việt Nam luôn nhiệt tình hưởng ứng phong trào 3R: “Reduce - Reuse - Recycle” (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế rác thải nhựa).
Theo một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên tạp chí y tế The Lancet, trên toàn thế giới, cứ 6 ca chết yểu thì có 1 ca là do bệnh tiếp xúc với chất độc hại. Theo kết quả nghiên cứu, người dân ở châu Á và châu Phi bị tác động nhiều nhất từ ô nhiễm môi trường. Các khu vực như châu Phi hạ Sahara thậm chí còn chưa thiết lập hệ thống theo dõi ô nhiễm không khí.
Theo đó, để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở châu Phi nói chung và Nam Sudan và Trung Phi nói riêng, tất cả các thành viên của bệnh viện dã chiến Việt Nam tại đều hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt cả ngày. Các sĩ quan dùng những chiếc giỏ, rổ, hộp đựng... thay thế cho túi ni lông trong việc đựng độ.
Can nhựa, bình nhựa được tái chế làm chậu trồng hoa. |
Đồng thời, rác thải y tế của bệnh viện cũng được phân loại để xử lý triệt để tại lò đốt rác. Còn rác thải sinh hoạt cũng được phân loại ngay từ đầu để xe đến chở đi. Trung tá Võ Văn Hiển - Giám đốc BVDC cấp 2 số 2 nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn những việc làm vì môi trường của BVDC Việt Nam sẽ có sức lan tỏa, được sự hưởng ứng và cùng hành động của các đơn vị bạn cũng như người dân xung quanh”.
Đặc biệt, phải kể tới sáng kiến tái chế các loại rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích trong đơn vị. Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Anh Đức, dược sĩ Khoa Dược - Trang bị là một trong những thành viên tích cực trong chương trình này. Anh Đức đã có nhiều sáng tạo tuyệt vời để biến những rác thải vô tri trở nên hữu ích. Anh đã tạo ra nhiều vật dụng sinh hoạt, đồ trang trí đẹp mắt từ nhựa tái chế, góp phần cải thiện cảnh quan.
Nổi bật trong số đó là bản đồ Tổ quốc đã được các chiến sĩ hoàn thành hai tháng. Hằng tuần, một số chiến sĩ lại tranh thủ cùng nhau đi nhặt nắp vỏ chai quanh căn cứ, rồi làm vệ sinh sạch sẽ, bọc lại để tăng độ bền, bắn keo, đính lên khung, khá kỳ công. Mỗi người một việc, tấm bản được hoàn thiện vì có lúc bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 không thể ra bên ngoài thu lượm các nắp vỏ chai. Bản đồ sau khi hoàn thiện được treo ở lối dẫn vào bệnh viện nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế đất nước Việt Nam.
Ông Imran Safdar đánh giá, việc làm của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam góp phần hạn chế vấn nạn rác thải nhựa, là tấm gương cho nhân viên phái bộ làm theo. “Sẽ rất hay nếu các bạn Việt Nam có thể làm một bản đồ tương tự về khu vực Unity. Tôi sẽ báo lên tổng hành dinh phái bộ ở Juba để nhân rộng việc làm ý nghĩa này trong toàn phái bộ”, Đại tá Imran Safdar nói.
Biến những vật vô tri trở nên hữu ích
Các vỏ chai, lon bia, vỏ can nước xà phòng, nước lau sàn, nước rửa chén bỏ đi… qua bàn tay khéo léo của anh, trở nên có hồn và sinh động dưới hình những chậu hoa, thùng rác vẽ mặt người, hay hình các con vật đủ màu sắc. Trong phòng ở, trên bàn làm việc của nhiều cán bộ, nhân viên bệnh viện có những đồ làm từ nhựa tái chế, như: Hộp bút, lọ hoa... Cứ như thế phong trào hưởng ứng hạn chế tối đa rác thải nhựa được nâng lên trong toàn bệnh viện.
Được biết, Vũ Anh Đức còn chế bảng chữ cái và một số đồ chơi đơn giản từ vỏ đồ nhựa bỏ đi để đem tặng trẻ em Nam Sudan ở trại tị nạn gần bệnh viện. Thời gian tới, anh và một số đồng nghiệp còn ấp ủ dự án tận dụng gỗ đóng hàng khi sang địa bàn của bệnh viện để đóng bàn học cho các em nhỏ tại đây.
Phong trào trồng cây được các thành viên Bệnh viện Dã chiến hưởng ứng nhiệt tình. |
Ý tưởng nhân văn này được hình thành từ thực tế khó khăn của các em nhỏ Nam Sudan khi phải học trong các lớp học tồi tàn ở các khu trại tị nạn. Nơi đây, các lớp học của các em nhỏ không có bàn, những chiếc ghế băng được tận dụng từ những thanh gỗ làm bàn học. Nhưng những chiếc ghế này cũng không đủ cho tất cả, nên có em phải ngồi dưới đất...
Thực tế, ở khu căn cứ liền với trại tị nạn vẫn xuất hiện nhiều rác thải nhựa như vỏ chai, vỏ lon... Ý thức về bảo vệ môi trường của người dân bản địa vẫn còn nhiều hạn chế. Những bãi rác thải nhựa trên địa bàn không được xử lý và xử lý đúng cách. Vì vậy, những việc làm ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường của Bệnh viện Dã chiến Việt Nam ngày càng được nhiều người biết tới, được chỉ huy căn cứ và một số đơn vị bạn hoan nghênh, ủng hộ.
Ngoài việc chú trọng quan tâm tới rác thải nhựa, các sĩ quan Việt Nam tại bệnh viện dã chiến cũng tập trung tăng gia trồng rau xanh, trồng thêm nhiều hoa và cây xanh nhằm bảo đảm cảnh quan, môi trường ở đơn vị, đồng thời góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày. Các nhân viên của bệnh viện đã khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng và thiếu nước để phủ xanh đơn vị bằng những luống rau xanh và cây bóng mát, được các đơn vị bạn khen ngợi.
Từ ngày 30/5 đến 1/6, Chi đoàn Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 của Việt đã phát động phong trào trồng cây và tổ chức Giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Cục GGHB Việt Nam lần thứ II và kỷ niệm 6 năm Ngày thành lập Cục (27/5/2014 - 27/5/2020).
Phong trào trồng cây xanh lần này tập trung trồng thêm một số cây bóng mát ở khuôn viên xung quanh bệnh viện. Theo Trung tá Võ Văn Hiển, để trồng cây sống được ở nhiệt độ hơn 40 độ C sống được đã khó, để cây phát triển và xanh tốt càng khó hơn. Nhưng với tính cần cù, chịu khó và khéo léo của đội ngũ nhân viên Bệnh viện, trải qua hơn 6 tháng làm nhiệm vụ ở địa bàn, cảnh quan đơn vị đã được cải thiện nhiều nhờ anh em tích cực trồng rau, hoa và cây bóng mát.
Quan điểm của chỉ huy và cán bộ nhân viên Bệnh viện là tạo ra một môi trường xanh sạch đẹp không chỉ cho Bệnh viện số 2 mà còn có thể cho các Bệnh viện tiếp theo của Việt Nam.