Nhân rộng mô hình tủ sách pháp luật hay, hiệu quả

(PLVN) - Hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú và là “kênh” thông tin hữu ích cung cấp kiến thức pháp luật đối với người dân. Để góp phần đưa tri thức đến với người dân một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đã tìm tòi, phát triển nhiều mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tên gọi khác nhau .
Mô hình "Tủ sách pháp luật" tuyên truyền, phồ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tại ngôi nhà trí tuệ số 3, thành phố Hà Tĩnh.
Mô hình "Tủ sách pháp luật" tuyên truyền, phồ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tại ngôi nhà trí tuệ số 3, thành phố Hà Tĩnh.

Đơn cử, mô hình “Quán cà phê pháp luật” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được thành lập từ năm 2019, nhằm phổ biến sâu rộng các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật đến cán bộ công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, một tủ sách pháp luật (TSPL) sẽ được đặt tại quán cà phê có đông người qua lại để khách có thể đọc miễn phí. Mỗi quý, Ban Chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt một lần, qua đó thành viên của mô hình sẽ tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè và khách đến quán tìm đọc, tham khảo các loại sách, báo tại đây để nâng cao hiểu biết pháp luật. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả, gần gũi với bà con nông dân hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tìm hiểu pháp luật.

Bên cạnh “Quán cà phê pháp luật” thì “Tủ sách pháp luật tại chùa Khmer” ở Sóc Trăng cũng là một trong những mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng có 35,44% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, vì vậy Sở Tư pháp đã chọn 12 điểm chùa Khmer tiêu biểu để tặng 12 Tủ sách với trên 3.500 đầu sách pháp luật để góp phần giúp cho các vị sư sãi, bà con phật tử Khmer tìm hiểu, nghiên cứu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mô hình TSPL điện tử tại cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ cho công tác chuyên môn, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu văn bản pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; thực hiện việc “đăng tải tích hợp các văn bản pháp luật trên nền tảng số, sử dụng mã quét QR để đăng nhập vào đường link tủ sách”.

Ngoài ra các mô hình TSPL trong các nhà thờ, họ đạo tại thành phố Cần Thơ; mô hình “Mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” trong lực lượng Quân đội nhân dân; Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) đã xây dựng phần mềm tiếng Việt “Hệ thống Trợ lý ảo pháp luật”cho phép người dùng hỏi đáp thông tin, tra cứu đến toàn bộ văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành; mô hình “Tủ sách hướng thiện” trong lực lượng Công an nhân dân… đều là những mô hình TSPL xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa bàn và thuận lợi, dễ dàng trong việc tiếp cận nên được cán bộ, chiến sĩ, người dân quan tâm, tìm đọc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận thông tin pháp luật thì văn hoá đọc nói chung, văn hoá đọc sách pháp luật nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Như: số lượng người tìm đọc sách pháp luật chưa nhiều; người dân chủ yếu tìm hiểu pháp luật qua mạng Internet, báo điện tử…

Lĩnh vực pháp luật là một lĩnh vực khá đặc thù, bởi đây là lĩnh vực vừa “khô khan” vừa khó. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Theo đó, cần duy trì TSPL trong cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân; chú trọng xây dựng, nhân rộng các loại hình TSPL tự quản tại cộng đồng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét chuyển hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp thông tin pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân với hình thức đa dạng, phong phú, thuận lợi cho người dân khai thác, sử dụng.

Công tác xây dựng mô hình PBGDPL nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói riêng cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc xây dựng, phát triển mô hình TSPL đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.

Đọc thêm