Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể
Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022), lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Quá trình lập quy hoạch tỉnh được triển khai một cách công phu, bài bản, kỹ lưỡng, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức đặt ra và cơ hội phát triển.
Trong việc xây dựng quy hoạch, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời, làm theo quan điểm “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên”, đề cao sự tham gia chặt chẽ của cấp cơ sở bởi đây chính là cấp trực tiếp chịu sự tác động của quy hoạch sau khi được phê duyệt và để quy hoạch được thực hiện đúng trong thực tế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Về nội dung của quy hoạch, có thể nói, đột phá trong quy hoạch tỉnh chính là việc “mạnh dạn” xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể có thể nói là “khó” đòi hỏi cần phải có sự đồng lòng, thống nhất và quyết liệt trong tổ chức thực hiện thì mới đạt được. Đồng thời, quy hoạch xác định yếu tố tổ chức không gian (tức là xác định rõ “làm cái gì, làm ở đâu”) là yếu tố mang tính đột phá chiến lược trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là không gian phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, động lực cho phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.
Bắc Giang xác định 3 khâu đột phá gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính - đây được coi là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay; Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển và Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên.
Để cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch tỉnh vào thực tế, tỉnh Bắc Giang đã xác định được rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương gắn với thời gian hoàn thành cụ thể, xác định được các kịch bản ứng phó khi tình hình diễn biến thực tế có sự thay đổi so với dự báo; xác định các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, bảo đảm rằng các mục tiêu, định hướng trong quy hoạch được triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất, tạo ra bước đột phá, đưa Bắc Giang phát triển theo đúng định hướng mà quy hoạch đã xác định.
Các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực đã được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm của tỉnh, của ngành và của địa phương. Đồng thời, đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh trên địa bàn; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch trên địa bàn.
“Để đạt được các mục tiêu của quy hoạch cần phải có nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về vốn (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng). Do vậy, các cấp, các ngành cần phải tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để có thể huy động được tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành”, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết.
Chủ động phát hiện nội dung mâu thuẫn
Đến nay, các cơ sở pháp lý của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã hoàn thành: Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh (Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023) và là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023.
Sau khi quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện được phê duyệt, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã có văn bản giao các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan đến tỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; Theo dõi, nghiên cứu nội dung các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch cấp trên có liên quan đến quy hoạch tỉnh; Chủ động phát hiện các nội dung mâu thuẫn, đề xuất điều chỉnh theo quy định.
Đồng thời, để bảo đảm công tác triển khai quy hoạch tỉnh được thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì triển khai, theo dõi, báo cáo, tham gia ý kiến về sự phù hợp của các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch… trên địa bàn tỉnh đối với từng nội dung tương ứng với các ngành trong quy hoạch tỉnh.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu, chịu trách nhiệm theo dõi, triển khai các nội dung trong quy hoạch tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý theo chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể hóa các nội dung Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm của đơn vị bảo đảm hoàn thành các mục tiêu theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 28/2/2023 của UBND tỉnh.
Khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc
|
Các địa phương khẩn trương rà soát để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quy hoạch tỉnh, sớm đưa quy hoạch vào thực tế. (Trong ảnh: Một góc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: KV) |
Là công việc mới, khó, trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, rà soát, hoàn thiện và trình phê duyệt các quy hoạch tỉnh, mặc dù Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát, bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin, dữ liệu và sự phù hợp, thống nhất giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, doanh nghiệp, một số quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan.
Cũng theo đánh giá, thông tin, dữ liệu, số liệu trong một số hồ sơ quy hoạch chưa bảo đảm chính xác có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tiến độ triển khai lập và trình ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh rất chậm. Mặc dù đã có 59 quy hoạch tỉnh được phê duyệt nhưng mới chỉ có 10 kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh được ban hành gồm: Quảng Ninh, Hậu Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lào Cai và mới nhất là Bình Định (ngày 31/7/2024).
Để kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập trong quá trình thực hiện các quy hoạch tỉnh, ngày 9/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 46/CĐ-TTg, trong đó có yêu cầu: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thường xuyên rà soát, báo cáo kịp thời về các nội dung thông tin chưa chính xác, chưa phù hợp với các quy hoạch khác và về các vướng mắc, bất cập khác (nếu có).
Công điện cũng đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định việc phân cấp tối đa cho cấp tỉnh đi đôi với việc quy định rõ trách nhiệm được phân cấp; cắt giảm thủ tục hành chính trong hoạt động quy hoạch và thiết kế công cụ kiểm tra giám sát hoạt động quy hoạch trong quá trình chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, những vướng mắc về thể chế liên quan đến việc triển khai quy hoạch sẽ được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa quy hoạch, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển.
Xem xét phân cấp cho địa phương ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh
Tháng 5/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: quá trình triển khai quy hoạch tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh có nội dung mới, lần đầu tiên được quy định trong pháp luật về quy hoạch, tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thực hiện còn chậm dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Quy hoạch bao gồm các danh mục dự án đầu tư công và kế hoạch sử dụng đất đến dẫn đến sự chồng chéo với quy định của pháp luật và pháp luật về đầu tư công. Nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quy hoạch nhưng thẩm quyền của từng cấp lại được phân cấp nhiều quy định pháp luật có liên quan khác.
Qua tổng kết, nhiều địa phương đã báo cáo Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phân cấp cho địa phương ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để tạo sự chủ động cho địa phương và bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Do vậy, theo đại diện Bộ KH&ĐT, việc nghiên cứu phân cấp cho địa phương ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh là cần thiết nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quy hoạch. Lê Hồng