Thị trường những ngày giáp Tết đang nóng dần khi người dân tăng cường mua sắm. Lợi dụng việc này, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng gian, hàng giả… vào mùa lộng hành.
Theo ghi nhận của Infonet, những ngày này tại chợ Bình Tây (Q.6), thương lái khắp các tỉnh đổ về lấy hàng khá nhiều, đặc biệt là hàng Tết như bánh kẹo, hàng thời trang… Trong đó, chủ yếu là các loại bánh kẹo “3 không”: không nhãn mác, không xuất xứ và không hạn sử dụng, với giá khá rẻ, chỉ từ 25.000 – 90.000 đồng/kg… Một tiểu thương tại đây cho biết, số bánh kẹo này được đặt hàng từ các cơ sở sản xuất tư nhân quen trên địa bàn TP.HCM, chủ yếu bán cho người dân các tỉnh lân cận và những lao động có thu nhập thấp.
Theo tìm hiểu của PV, các cơ sở sản xuất bánh kẹo "3 không" chuyên cung cấp cho các chợ đầu mối thường "đóng" tại khu vực chung cư đường sắt Lý Thái Tổ, Q.3. Dọc các ngõ ngách của con đường này chất đầy những thùng phi cáu bẩn dùng để ngâm các nguyên liệu chế biến như me, gừng, đậu phộng… đen ngòm và bốc mùi hôi nồng nặc.
Những ngôi nhà nhỏ và ẩm thấp ở khu vực xung quanh được coi như một nhà xưởng để chứa hàng. Thậm chí, nhà vệ sinh cũng được tận dụng triệt để chứa nguyên liệu, còn mái nhà để phơi mứt, ngay cả sàn nhà và giường ngủ cũng để làm nơi đóng gói sản phẩm.
Hàng giả dịp tết lại tung hoành |
Không chỉ có bánh kẹo, các mặt hàng mỹ phẩm giả cũng được dịp “lộng hành” những ngày giáp Tết một cách công khai. Chị T.T, tiểu thương chợ Linh Trung, Q.Thủ Đức, chuyên bán các mặt hàng mỹ phẩm nói: “Cứ vài ba ngày lại có người tự xưng là nhân viên của công ty có thương hiệu đến chào bán sản phẩm từ dầu gội đầu đến kem dưỡng da, sữa rửa mặt… có tem chống giả đàng hoàng. Họ lấy lý do gần Tết bán với giá rẻ nên tôi và nhiều tiểu thương tin tưởng lấy hàng về bán kiếm lời và giới thiệu cho nhiều khách hàng quen mua. Song, chỉ sau 1 tuần, có khách hàng đến tận nơi để mắng vốn chủ sạp. Hoảng quá, tôi gọi điện cho công ty chính hãng đó xuống kiểm tra mới phát hiện đây là hàng giả”.
Riêng, các mặt hàng thời trang lại dùng chiêu “đội lốt” xả hàng cuối năm để trà trộn những hàng kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng. Đường CMT8 vốn là nơi nổi tiếng có nhiều cửa hàng thời trang có thương hiệu lẫn thời trang vỉa hè trong những ngày này luôn treo biển “giảm giá 50%” những hàng “Made in Vietnam” hoặc hàng lỗi mốt.
Nhưng thực tế, hầu hết những bộ quần áo này đều có xuất xứ từ Trung Quốc được trộn lẫn quần áo chính hãng để giảm giá. Nhiều cửa hàng sử dụng chiêu bài tự “đội” giá lên cao rồi treo bảng giảm giá 50% trên giá sản phẩm. “Cao thủ” hơn trong chiêu dụ khách hàng, một số cửa hàng treo tấm bảng khá bắt mắt trước cửa hàng: “Giảm giá để trả mặt bằng”, “Thanh lý hàng tồn”… nhằm tránh sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, để đối phó với cơ quan chức năng, các chương trình giảm giá, khuyến mại thường mang tính chất may mắn có giá trị lớn như trúng xe máy, ôtô nhưng thực tế rất khó kiểm chứng vì đa số các đơn vị sau khi kết thúc chương trình đều không báo cáo về Sở Công thương. Riêng đối với các đối tượng buôn lậu còn sử dụng thủ đoạn tập kết hàng hóa tại các tỉnh lân cận, sau đó xé lẻ rồi vận chuyển vào địa bàn TP, quay vòng chứng từ, hóa đơn, buôn bán hàng nhập lậu.
Bà Đào cho biết thêm, từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ phối hợp chặt với Sở Tài chính để xử lý kiên quyết vi phạm về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại các điểm bán lẻ, chợ, siêu thị, nơi mua bán tập trung… Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục địa bàn trọng điểm để xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu. Đồng thời sẽ kiểm tra các trung tâm phát luồng hàng, bến bãi… để ngăn chặn những hành vi chứa chấp hàng ngoại nhập lậu để phân phối đi các tỉnh.
Theo Thúy Ngà (Infonet)