Nhập toa xe cũ từ Nhật Bản: Cơ quan Đăng kiểm nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một số ý kiến cho rằng, toa xe cũ của đường sắt Nhật Bản đã sử dụng 40 năm về Việt Nam vẫn còn chạy tốt. Nhưng cơ quan Đăng kiểm thì khá thận trọng khi nói về chất lượng, bởi theo quy định hiện hành, việc nhập này là không thể.
Đường sắt Việt Nam hiện được đánh giá là lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực.
Đường sắt Việt Nam hiện được đánh giá là lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực.

Có thể chạy thêm 15 năm?

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị lên Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ của Nhật Bản, được sản xuất giai đoạn 1979-1982, hiện đã ngừng khai thác. Theo VNR, các toa xe có ghế mềm, điều hòa không khí, công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.

VNR cho biết, chi phí nhập các toa xe này và sửa chữa để phù hợp với khổ ray thấp hơn nhiều so với chi phí đóng mới hoặc mua toa xe cũ của nước khác. Sau khoảng 40 năm vận hành, các toa xe trên không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Đối tác của Nhật sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho VNR các toa xe nếu có nhu cầu. Phía Việt Nam sẽ chịu chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo.

Liên quan đến nội dung này, chuyên gia về đường sắt, TS Nguyễn Xuân Thủy - cho rằng, việc nhập toa xe từ Nhật Bản dù họ đã sử dụng 40 năm thì vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, cần lập đoàn có chuyên gia về đường sắt đến Nhật khảo sát, tìm hiểu và chỉ nhập khi nó vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn. “Gầm tốt, bệ tốt, cơ cấu bên dưới còn tốt thì ta hoàn toàn nhập được”, ông Thủy nói.

Vị này cũng tự tin nói rằng, những toa xe của Nhật dù đã qua sử dụng hàng chục năm rồi nhưng vẫn có thể sử dụng tốt, thậm chí đẹp hơn các toa xe hiện có ở Việt Nam. Dù bên họ đã sử dụng 40 năm, nhưng sang mình vẫn sử dụng được thêm 10-15 năm nữa.

Cần một văn bản đặc biệt

Trao đổi với PLVN, ông Lê Hoàng Tùng - Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) – cho hay, việc cấp giấy phép đăng kiểm cho toa tàu nhập khẩu thì đầu tiên, cơ quan đăng kiểm phải xem xét toa xe, đầu máy ấy mới hay cũ, đã sử dụng được mấy năm.

Theo Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt nêu rõ, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị. Còn đối với toa xe chở hàng không quá 15 năm.

Về mặt kỹ thuật, toa xe khách được xem xét, kiểm tra theo Quy chuẩn QCVN 18: 2018/BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo Thông tư số 30/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018. Nội dung chính của những quy chuẩn này là quy định chi tiết về các điều kiện kỹ thuật và tính năng an toàn kỹ thuật. “Các toa xe muốn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm phải thoả mãn được các tính năng theo yêu cầu kỹ thuật theo quy định mà các quy chuẩn nói trên đã ban hành”, ông Tùng nói.

Ngoài ra, về hồ sơ giấy tờ, muốn nhập khẩu toa tàu cũ cần có chứng minh nguồn gốc xuất xứ C/O, C/Q; các loại chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất. “Nội dung giấy tờ này thì Cục Đăng kiểm xem xét theo Thông tư số 29 năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải”, ông Tùng nói.

Liên quan đến việc VNR muốn nhập các toa xe của Nhật Bản sản xuất từ những năm 1979 - 1982, ông Tùng cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được hồ sơ. Tuy nhiên, nếu những toa xe ấy đã qua 40 năm sử dụng thì quy định hiện hành không cho phép nhập khẩu.

Đại diện Cục Đăng kiểm cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vấn đề này vẫn còn hiệu lực, nhưng nếu VNR đề xuất với Chính phủ thì cần có những hướng dẫn cụ thể để Cục căn cứ vào đó làm việc.

Còn hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành thì không thể nhập và cấp chứng nhận đăng kiểm cho những toa tàu chở khách nước ngoài đã qua sử dụng trên 10 năm. Còn việc các toa xe của Nhật Bản còn tốt hay không sau khoảng 40 năm sử dụng thì chưa thể vội đánh giá. Cần có sự kiểm tra thì mới đánh giá được có còn tốt hay không.

Trên thực tế, khổ ray của Nhật khác khổ ray ở Việt Nam, do đó giả sử muốn sử dụng các toa tàu của Nhật thì phía Việt Nam cần cải tạo.

Đọc thêm