Trước đó 10 ngày, bệnh nhân có ăn hồng xiêm sau đó bị sặc, ho sặc sụa.
Tại bệnh viện, qua thăm khám lâm sàng và chụp phim CT lồng ngực, bác sĩ phát hiện có dị vật trong phế quản (nghi là hạt hồng xiêm). Ngay lập tức, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cấp cứu để tiến hành phương pháp nội soi phế quản mềm.
Dị vật được xác định ở phế quản trung gian và các bác sĩ đã lấy ra 1 hạt hồng xiêm từ phế quản của bệnh nhân.
Người bệnh được dùng kháng sinh giảm nề. Sức khỏe ổn định, tiến triển tốt nên được cho ra viện về nhà uống thuốc theo đơn.
Đây là ca bệnh dị vật hạt hồng xiêm thứ 2 trong vòng 3 tháng qua tại Phú Thọ.
Dị vật đường hô hấp là một cấp cứu nội khoa khá thường gặp. Có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, nhất là ở trẻ em, người già yếu, đột quỵ não.
Để phòng tránh dị vật đường hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo người dân: Không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật như xương gà, xương cá, xương heo…
Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi…
Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Cần chú ý phòng tránh ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người già, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo.
Khi bị hóc dị vật, nếu bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp, tím tái, nguy cơ ngừng tuần hoàn, cần tiến hành nghiệm pháp Heimlich (chỉ tiến hành khi đã được đào tạo). Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định, không khó thở, không được tự ý dùng các biện pháp để lấy dị vật tại nhà, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất.