Theo Reuters, khối NATO gồm 12 nước thành viên đang giám sát và chia sẻ chi phí của dự án phát triển một loại tên lửa mang tên SeaSparrow. Dự án xây dựng tên lửa đa quốc gia này được 4 nước, trong đó có Mỹ, xác lập vào năm 1968.
Trong thời gian tới, các nước tham gia dự án đang lập kế hoạch phát triển một phiên bản cải tiến của tên lửa SeaSparrow. Phiên bản này sẽ là loại tên lửa tiên tiến, được thiết kế để có thể vận chuyển bằng tàu, có khả năng tiêu diệt các loại tên lửa lướt trên mặt nước và máy bay tấn công. Tên lửa này đang được các hãng chuyên sản xuất vũ khí của Mỹ là Raytheon và General Dynamics phát triển.
Các nguồn tin cho biết, hồi tháng 5 vừa qua, các sĩ quan Hải quân Nhật Bản đã tham dự một cuộc họp của NATO ở The Hague, Hà Lan để tìm hiểu thêm về dự án đa quốc gia nói trên. 2 nguồn tin từ Nhật Bản nói rằng dù việc tham gia vào dự án của NATO sẽ hoàn toàn ăn khớp với kế hoạch xây dựng năng lực an ninh mạnh mẽ hơn của Thủ tướng Shinzo Abe nhưng các cuộc thảo luận về khả năng tham gia dự án của NATO tại Tokyo mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Hải quân Mỹ đang rất ủng hộ việc Nhật Bản tham gia vào dự án tên lửa trên. Bởi, việc Nhật Bản tham gia vào dự án trước hết sẽ giúp các nước NATO giảm bớt chi phí.
Bên cạnh đó, theo một nguồn tin từ Washington, phía Mỹ còn xem việc Nhật tham gia dự án trên như một động thái có thể giúp củng cố vai trò của Nhật Bản tại châu Á tại thời điểm Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh quân sự hóa và hành động hung hăng hơn, dấy lên những hồi chuông báo động trong khu vực. Nguồn tin từ Mỹ nói rằng việc tham gia dự án này có thể giúp Nhật Bản đặt được nền móng cho các chương trình xuất khẩu quốc phòng trong tương lai.
Nguồn tin của Mỹ cho hay, Hải quân Nhật Bản đã sử dụng tên lửa SeaSparrow được Công ty Mitsubishi lắp đặt tại Nhật Bản theo một thỏa thuận hợp tác sản xuất với NATO và phía nhà sản xuất của Mỹ. Việc này sẽ giúp cho việc chuyển đổi dự án sang hình thức đối tác liên minh với sự tham gia của Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phía Nhật Bản vẫn tỏ ra thận trọng trước khi đưa ra quyết định của mình.
Nhật Bản là một trong những nước có các cơ sở công nghiệp quân sự tiên tiến nhất trên thế giới nhưng những công ty lớn của nước này như Mistsubishi từ lâu chỉ sản xuất vũ khí dành riêng cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ hồi năm ngoái, ông Shinzo Abe đã bắt đầu thúc đẩy hợp tác an ninh trên toàn khu vực Đông Nam Á. Hồi tháng 6 vừa qua, ông đã nhất trí với Tổng thống Philippines Benigno Aquino về việc trao đổi công nghệ quân sự và vũ khí giữa 2 nước.
Tháng trước đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng đồng ý bắt đầu đàm phán về việc chuyển giao các thiết bị và công nghệ quân sự cho Malaysia. Hiện, Australia cũng đang cân nhắc để Nhật Bản sản xuất các tàu ngầm thế hệ tiếp theo của mình./.