Nhật Bản hỗ trợ Thừa Thiên Huế vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 12/5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khánh thành dự án (DA) Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện.
Dự án sẽ góp phần xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương và góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai. (Ảnh: N.Khánh)
Dự án sẽ góp phần xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương và góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai. (Ảnh: N.Khánh)

Dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do chính phủ Nhật Bản tài trợ với tổng số vốn đầu tư hơn 421 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản khoảng 379 tỷ đồng.

DA được thực hiện từ năm 2017 đến nay gồm các hợp phần chính như: lắp đặt radar X-band, trạm quan trắc thủy văn, truyền hình mạch kín ở hạ lưu để thu thập dữ liệu trong lưu vực sông; lắp đặt đường truyền viễn thông, thiết bị đo mực nước, thiết bị đo độ mở cửa đập ở văn phòng quản lý đập; xây dựng hệ thống thông tin quản lý thiên tai liên quan đến nước ở cấp địa phương, cấp Trung ương...

Các thiết bị của DA được triển khai lắp đặt tại một số hồ thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh như Bình Điền, Hương Điền, Thượng Lộ, A Roàng, A Lưới…

DA sẽ góp phần xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương; góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai; xây dựng mô hình thí điểm về vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả nhằm nghiên cứu nhân rộng đến các lưu vực sông khác...

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, với sự chỉ đạo sát sao cũng như sự phối hợp của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công Nhật Bản, đến nay, các khối lượng chính của DA đã hoàn thành, về cơ bản đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ theo thỏa thuận viện trợ và văn kiện đã được phê duyệt. Hệ thống trang thiết bị hình thành từ DA đã được nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng quản lý, sử dụng vào tháng 12/2022.

Đây là sự kiện quan trọng góp phần tô đậm thêm tình hữu nghị hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung và giữa Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức JICA nhân kỷ niệm 50 năm (1973-2023) thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, giao đất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Từ năm 2021 đến 2023, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã sử dụng các sản phẩm phần mềm từ DA như: ảnh Radar Xband, đo mực nước các sông, đo lượng mưa, phần mềm dự báo mưa để hỗ trợ tham mưu, chỉ đạo, vận hành các hồ chứa nước, giám sát mưa lũ; chia sẻ thông tin đến các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai.