Nhật Bản: Nỗ lực cải cách keiretsu trong tiến trình toàn cầu hóa

(PLVN) - Sau tàn phá của Thế chiến II, Nhật Bản đã nhanh chóng vực dậy để trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ) trong một nỗ lực được gọi là “Phép màu kinh tế”. Các nhà quan sát phương Tây ghi nhận sự chuyển đổi chưa từng có này là có phần đóng góp của keiretsu. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa đã khiến Nhật Bản phải liên tục ban hành các quy định cải cách keiretsu.
Trụ sở Mitsubishi ở Nhật Bản. (Ảnh: mitsubishielectric.com)

Theo các nhà quan sát phương Tây, mô hình keiretsu cho phép “các công ty riêng lẻ đạt được sức mạnh tài chính và kết nối cần thiết để cắt giảm các đối thủ trong và ngoài nước”, “tăng thị phần thay vì tích lũy lợi nhuận ngắn hạn,... mạnh mẽ thâm nhập các lĩnh vực tăng trưởng cao với tiềm năng dài hạn”. Điều đó giúp nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ vào những năm 1980 với những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như Toyota, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Fuyo,…

Nhưng vào những năm 1990, kinh tế Nhật Bản bắt đầu trì trệ. Trong nỗ lực chống lại sự suy thoái, Nhật Bản đã ban hành những thay đổi kinh tế và quy định quan trọng lần đầu tiên tác động đến khả năng tồn tại của keiretsu như mối quan hệ chặt chẽ về tài chính trong keiretsu, toàn cầu hóa thị trường tài chính và quy định thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng ban hành Đạo luật chống độc quyền như một phần của chính sách dân chủ hóa kinh tế sau Thế chiến II và tránh hoạt động kinh tế tập trung vào zaibatsu (mà Hàn Quốc đã áp dụng cho chaebol), là cơ sở của hoạt động kinh tế thời chiến trước đó. Chính phủ Quân sự Đồng minh đã tháo dỡ zaibatsu khi ấy và sau đó áp đặt lệnh cấm đối với các công ty cổ phần trong Đạo luật chống độc quyền được ban hành vào năm 1947 để ngăn chặn sự hình thành của zaibatsu. Khi các công ty thuộc zaibatsu bị giải thể thì dần dần hình thành keiretsu. 30 năm sau, vào năm 1977, Đạo luật chống độc quyền đã được sửa đổi để đưa ra các quy định giới hạn tổng số cổ phần có thể được nắm giữ trong các công ty cùng thuộc keiretsu.

Đặc biệt, triển khai Sáng kiến cải cách hợp tác Hoa Kỳ - Nhật Bản (SII) liên quan đến keiretsu, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành hai bộ yêu cầu quan trọng (Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp và Bộ quy tắc quản lý sửa đổi), được thiết kế để làm cho các mối quan hệ trong keiretsu minh bạch hơn. Vào năm 1990, người Nhật đã đồng ý giải quyết những lo ngại của Hoa Kỳ rằng các mối quan hệ keiretsu của Nhật Bản “thúc đẩy thương mại nhóm ưu đãi, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản và có thể dẫn đến các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh”.

Hai bộ quy định mới của Nhật Bản được ban hành để tăng cường tính minh bạch của keiretsu. Quy định đầu tiên trong số các quy định này, có hiệu lực vào ngày 1/12/1990, yêu cầu báo cáo cho Bộ Tài chính (MOF) về quyền sở hữu có lợi hơn 5% chứng khoán vốn chủ sở hữu của các công ty niêm yết công khai hoặc các công ty có cổ phần được đăng ký với Hiệp hội Đại lý Chứng khoán Nhật Bản và giao dịch qua quầy (Quy tắc 5%). Bộ quy định thứ hai, có hiệu lực vào ngày 1/4/1991, yêu cầu báo cáo trong báo cáo thường niên của cả các công ty niêm yết tư nhân và công khai về nhiều giao dịch với các bên liên quan (Quy định giao dịch của bên liên quan).

Vào những năm 2000, trong đợt cải cách quản trị doanh nghiệp sâu rộng, các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức liên quan đã tiếp tục thỏa thuận thành công trong yêu cầu các công ty keiretsu phải giảm hoặc bán cổ phần chéo của họ. Kết quả rất ấn tượng: cổ phiếu nắm giữ chéo đã giảm xuống dưới 10% tổng số cổ phần lần đầu tiên trong năm 2017 và Sở giao dịch chứng khoán Tokyo dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng thêm.

Nhìn chung, keiretsu có nguồn gốc lịch sử sâu xa trong lịch sử doanh nghiệp Nhật Bản, đã giúp đất nước trải qua “Phép màu kinh tế” vào thế kỷ XX và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, tốc độ cải cách quản trị doanh nghiệp liên tục gia tăng và áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài cùng các tổ chức có liên quan trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã buộc các keiretsu Nhật Bản phải cải cách.

Đọc thêm