Nhảy xuống hầm than cứu đồng nghiệp, người đàn ông suýt chết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thấy đồng nghiệp ngã bất tỉnh trong hầm chứa than, người đàn ông nhảy xuống cứu cũng bất tỉnh ngay sau đó.
Tình trạng các bệnh nhân đã ổn đinh. Ảnh: BVCC
Tình trạng các bệnh nhân đã ổn đinh. Ảnh: BVCC

Viện Y học biển Việt Nam mới tiếp nhận 2 thuyền viên làm việc trên tàu chở than nhập viện trong tình trạng khó thở, hôn mê, toàn thân co giật dữ dội.

Trước đó, khoảng 17h ngày 25/6, thuyền viên N.V.P (sinh năm 1987) trong lúc leo xuống hầm chứa than trên tàu (để lẫy mẫu than xét nghiệm) thì đột nhiên bất tỉnh và ngã vào trong hầm.

Thuyền viên Đ.V.Q.H đứng trên cửa hầm than thấy vậy bèn nhảy xuống cứu đồng nghiệp nhưng cũng bị bất tỉnh ngay sau đó. Tước khi nhảy xuống hầm thì thuyền viên H đã kịp thời hô hoán cứu viện.

Các thuyền viên khác nghe tiếng kêu cứu đã chạy đến giúp, một người đã đeo bình oxy xuống để đưa nạn nhân lên nhưng không thể tiếp cận nạn nhân do không thể chịu được khí ngạt trong hầm được quá 30 giây. Chỉ đến khi chỉ huy trên tàu cho mở nắp hầm hàng và huy động cần cẩu của cảng hỗ trợ mới di chuyển được nạn nhân lên boong tàu.

Tính đến thời điểm đó, 2 nạn nhân đã phải nằm trong hầm tàu kín khoảng 40 phút. Nạn nhân được đưa đến cấp cứu bệnh viện huyện Kim Thành (Hải Dương) trong tình trạng đã hôn mê, vật vã kích thích dữ dội.

Sau khi được sơ cứu bằng thở oxy liều cao và tiêm thuốc chống co giật, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Viện Y học biển Việt Nam để điều trị.

Đến 18h30 cùng ngày, các nạn nhân được chuyển đến Khoa cấp cứu - Viện Y học biển Việt Nam trong tình trạng hôn mê và vật vã kích thích nhiều. Qua khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm, hai nạn nhân được chẩn đoán xác định là ngộ độc cấp khí độc Carbon monoxide (khí CO). Bệnh nhân ở trong tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng gây co giật rất mạnh, đại tiểu tiện không tự chủ, có hội chứng tiêu cơ vân và suy đa tạng cấp.

Sau khi hội chẩn với các chuyên gia, hai nạn nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp hồi sức cao áp (điều trị oxy cao áp kết hợp với hồi sức trong buồng cao áp)...

Chỉ sau 30 phút điều trị thì tình trạng các bệnh nhân đã dần ổn định, không còn vật vã kích thích, các chỉ số về hô hấp tim mạch đều dần trở lại bình thường.

Kết thúc phác đồ điều trị 6 tiếng đồng hồ, 2 bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại và trở về bệnh phòng tiếp tục điều trị với oxy áp suất bình thường.

Sang sáng hôm sau, bệnh nhân đã tự ngồi dậy tỉnh táo hoàn toàn. Tuy nhiên, do quá trình thiếu oxy kéo dài, gây tổn thương các mô thần kinh, gan, cơ… nên bệnh nhân cần phải được tiếp tục điều trị một thời gian nữa để trở lại bình phục hoàn toàn.

Theo bác sĩ, CO là loại khí không màu, không mùi, không vị. Bình thường trong không khí CO chỉ chiếm một tỷ lệ cực thấp (khoảng 0,001 %). Nguy hiểm là khả năng kết hợp của loại khí này với Hb (hemoglobin – một chất vận chuyển oxy trong hồng cầu) mạnh gấp khoảng 240 lần so với O2 nên chỉ cần một lượng nhỏ của nó đã có thể chiếm hết hoặc gần hết chỗ vận chuyển O2 của Hb của hồng cầu, dẫn đến máu không thể mang oxy đến các mô và tế bào, gây tổn thương tế bào và các mô của cơ thể, có thể gây tử vong hoặc sống thực vật.

Cách dự phòng ngộ độc khí CO: Người dân không sử dụng nguyên liệu hóa thạch như xăng, dầu; Không sử dụng củi, rơm, rạ để đun, sưởi ấm trong phòng nhỏ, kín; Nếu sử dụng phải mở cửa thoáng; Không ngủ trong xe ô tô chạy điều hòa khi đang đỗ xe.

Trong các vụ hỏa hoạn, để thoát thân mà không bị bỏng nhiệt và ngộ độc khí CO, CO2, ta nên lấy vỏ chăn, màn, áo khoác và khăn tắm nhúng ướt nước rồi trùm lên thân thể và miệng, mũi rồi thoát ra ngoài.

Đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển, tàu sông, khi tiếp cận các hầm hàng luôn phải giả thiết là dưới hầm có hơi khí độc để có biện pháp phòng tránh. Khi phát hiện có người bị nạn, nếu không có trang bị bảo hộ thì không được xuống đó một mình để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo. Tốt nhất là nên đeo mặt nạ phòng độc hoặc khăn bông thấm ướt nước rồi đeo dây ngang người đề phòng nếu bị ngất thì người ở trên sẽ kéo lên ngay.

Đọc thêm