Nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác này tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được chi đúng, chi đủ.
Lo vào viện chữa bệnh mắc thêm bệnh
Những câu chuyện đau lòng đến từ nhiễm khuẩn bệnh viện đã xảy ra. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng thời gian điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.
Đến tận hôm nay, ngành Y tế vẫn phải đau lòng khi nhắc đến vụ sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong, trong đó có nguyên nhân do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác khi đang điều trị sởi tại bệnh viện. Gần đây nhất, vụ bốn trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, nằm giường bệnh nặng, tử vong trong cùng một ngày tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cuối năm 2017 là một minh chứng điển hình.
Nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là nỗi lo riêng đối với cán bộ ngành Y tế mà còn là nỗi lo thường trực đối với nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Mới đây, tại Hội nghị tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, câu chuyện nhiễm khuẩn tại bệnh viện một lần nữa được tiếp tục đề cập tới.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò rất quan trọng trong khám, chữa bệnh. Khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí tử vong với người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin của người dân với cơ sở y tế. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Thời gian qua ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.
Nguồn nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn yếu
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện như không khí trong môi trường bệnh viện bị nhiễm khuẩn, do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn... Ngoài ra, tay nhân viên y tế trước và sau khi chăm sóc bệnh cũng được xem là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể do những người nhà chăm sóc, thăm bệnh nhân. Nguy hiểm hơn là tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, bừa bãi đang góp phần sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%. Cùng với đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tuyến Trung ương cao hơn tuyến địa phương. Trong khi các cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương lại thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm cao do tác nhân lây bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đặc biệt, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng như Ebola, MERS-CoV. Không chỉ vậy, nhiễm khuẩn bệnh viện còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn còn nhiều thách thức đó là thực trạng một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy việc cam kết đầu tư và định hướng cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả.
Một thực tế nữa là hiện nay nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác này tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được chi đúng, chi đủ.
Từ thực tế nhiễm khuẩn bệnh viện qua các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, do vậy để kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, cần có chính sách đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho công việc của mình.
Cùng với đó, trong những năm tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc, tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.