Nhiễm khuẩn xuất hiện ở khắp các bệnh viện làm tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong, tăng nguy cơ kháng thuốc… Ám ảnh nhất, những căn bệnh xuất phát từ nhiễm khuẩn bệnh viện có thể giết chết bệnh nhân chỉ sau vài ngày, thậm chí sau vài giờ khởi phát.
Ám ảnh con số tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện
Thực tế trước đó, sự việc hơn 100 trẻ em tử vong do dịch sởi vào năm 2014 là một bài học cho ngành Y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn. Điều ám ảnh nhất trong những sự ra đi đó là câu chuyện của những ông bố, bà mẹ lấy nhau hơn 10 năm vẫn chưa có con, tốn rất nhiều tiền của, công sức đi thụ tinh nhân tạo mới có được đứa con đầu đời nhưng ai ngờ chỉ sau sinh vài ngày, con ra đi trong nguyên nhân nghi ngờ bị nhiễm khuẩn.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân nhiễm khuẩn bệnh viện có thể do không khí trong môi trường bệnh viện bị nhiễm khuẩn, do bệnh nhân thực hiện nhiều thủ thuật xâm nhập (tiêm truyền, phẫu thuật, thở máy, thủ thuật thai sản, ăn xông...), do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tay nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân trước và sau khi chăm sóc bệnh cũng được xem là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh. Nguy hiểm hơn là tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, bừa bãi đang góp phần sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc thì rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế từng công bố kết quả nghiên cứu được thực hiện với gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện lên tới 5,8%. Một nghiên cứu khác do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện với gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%.
Tại nhiều bệnh viện, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đầu tư máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, coi nhẹ công tác kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn dù biết rõ đó là khâu quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn mới tập trung vào khâu giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải chứ chưa chú trọng đến việc giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện,… Bởi vậy, mới có tình trạng khi người bệnh đến viện thì bệnh nhẹ, tuy nhiên qua quá trình được điều trị rồi thì bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong do khâu kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế không được thực hiện tốt.
Lỗi đến từ sự chủ quan
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, các loại vi khuẩn trong môi trường bệnh viện nguy hiểm hơn vi khuẩn ở các môi trường khác vì dễ nhờn với các loại kháng sinh và đặc biệt cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sinh non. Bên cạnh tình trạng nhiễm trùng, vì đều là những trẻ sinh non, sức đề kháng kém hơn các trẻ khác, lại có tổn thương rất nhiều cơ quan: Phổi, tim, gan, não... nên việc điều trị cho các cháu là rất khó khăn.
Do đặc thù Việt Nam, ở nhiều bệnh viện chưa thực hiện chăm sóc toàn diện, ngay bệnh nhân trong khu vực hồi sức tích cực vẫn cần có người thân chăm sóc. Do đó, nếu có thể nên sớm chuyển sang chế độ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân ở những khu vực này, nếu chưa chuyển thì cần hướng dẫn người thân cách chăm sóc, phòng hộ để đề phòng làm lây hoặc bị lây vi khuẩn bệnh viện. Khác với vi khuẩn gây bệnh trong môi trường thông thường, vi khuẩn bệnh viện là loại vi khuẩn đặc thù, trong quá trình chọn lọc tự nhiên, vi khuẩn bệnh viện ngày càng có khả năng chống lại kháng sinh.
Do đó, đảm bảo vô khuẩn trong môi trường chăm sóc trẻ sinh non rất quan trọng, nhất là với thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn nạn toàn cầu, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết trên thế giới rất cao, từ 40 đến 60% ở các nước phát triển và lên đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh viện Nhi Trung ương trong những năm qua đã rất nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn sơ sinh từ 75% xuống còn khoảng 50%.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: vi khuẩn có mặt ở mọi nơi, từ đất, nước, không khí, bề mặt, cơ thể... Đối với người khỏe mạnh, có thể khống chế được các vi khuẩn, nhưng cơ thể có miễn dịch không ổn định trên nền bệnh nặng sẽ phải hỗ trợ bằng kháng sinh. Hiện nay, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện tại nhiều bệnh viện càng làm cho việc điều trị thêm khó khăn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay. Một lần nữa, sau vụ việc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, câu chuyện nhiễm khuẩn bệnh viện lại được đặt ra một cách cấp bách cho ngành Y tế, cần phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhiễm khuẩn. Qua đó, việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế các bệnh viện giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Ngoài các nhân viên y tế thiếu cẩn thận trong phòng chống nhiễm khuẩn, người thân đang chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, đặc biệt là khu vực hồi sức tích cực, cũng là nguồn lây vi khuẩn sang bệnh nhân, hoặc bị lây nhiễm vi khuẩn từ bệnh viện. Do đó, với nhóm người thân đang chăm sóc bệnh nhân cần áp dụng triệt để các biện pháp như: đeo khẩu trang khi chăm sóc và trò chuyện với bệnh nhân, rửa tay sạch thường xuyên, nhất là sau khi ra phố, trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân...
Bác sĩ Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn BV Bạch Mai: “Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một vấn đề nan giải, thách thức của ngành Y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỉ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng”.
TS.Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai: “Những cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh luôn chịu áp lực lớn vì trẻ dễ nhiễm trùng khó cứu chữa, nguy cơ khuẩn xâm nhập cao. Trong ngành Y, cấp cứu sơ sinh có nguy cơ xảy ra tử vong cao. Do vậy, theo ông Hùng, ngoài công tác chống nhiễm khuẩn của bệnh viện thì cần phải có sự hợp tác đồng thời của các bà mẹ, người thân của trẻ. Nếu bà mẹ, người thân trẻ sơ sinh đang phải nằm điều trị vào thăm, chỉ cần sờ, bế cháu, hay chạm vào lồng ấp, giường bệnh… đều là hành vi có thể mang vi khuẩn vào khu vực này. Vi khuẩn sẽ bám trên da, đi vào đường hô hấp của trẻ và dễ xâm nhập vào cơ thể”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai: “Trong các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện thì thường chia làm 2 nhóm, một nhóm gọi là vi khuẩn cộng đồng và một nhóm là vi khuẩn bệnh viện. Trong đó, nhóm vi khuẩn bệnh viện là những loại virus đã có sẵn, sống ngay trong bệnh viện, các loại vi khuẩn này thường nguy hiểm hơn vì nó đã quen với môi trường bệnh viện, thích ứng với nhiều loại kháng sinh nên dễ kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị người bệnh”.