Khoa Hồi sức Cấp cứu tích cực và Chống độc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đang điều trị cho bệnh nhân T.V.T. (37 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ngày 8/7 bệnh nhân được chuyển đến từ bệnh viện tỉnh Bình Dương trong tình trạng rất nguy kịch do bị suy hô hấp, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Bệnh nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện |
Theo BS Huỳnh Thị Loan, Phó khoa: “Qua thăm khám lâm sàng cho thấy, trên cơ thể bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dưới da, kết hợp với những triệu chứng khác chúng tôi nghi ngờ người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn nên tiến hành cấy máu kiểm tra. Kết quả cho thấy bệnh nhân đã dương tính với loại bệnh nguy hiểm này.”
Ngay sau đó, bệnh nhân được mở khí quản hỗ trợ hô hấp sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao và tiến hành lọc máu liên tục. Sau 4 ngày được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân bước đầu được cải thiện, tuy nhiên tiên lượng của bác sĩ về trường hợp này còn rất dè dặt.
Chị N.T.O. vợ bệnh nhân cho biết, hai vợ chồng chị quê ở Sóc Trăng cuộc sống khó khăn nên phải lên Bình Dương làm mướn. Vốn là thợ mổ heo ở quê nên khi đi xin việc anh được nhận vào một lò mổ, sau nhiều năm hành nghề bình an vô sự thì tai nạn nghề nghiệp xảy đến.
Ngày 5/7, anh có biểu hiện sốt liên miên, cơ thể mệt mỏi đã uống thuốc tây nhưng không đỡ nên đến bệnh viện địa phương điều trị. Sau hai ngày theo dõi, tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm nên anh T. được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Chị T.O. cho biết, trước đó gia đình chị không ăn tiết canh còn chồng chị sử dụng món ăn này tại lò mổ heo hay không thì chị không rõ.
Kiểm tra cơ thể bệnh nhân, bác sĩ ghi nhân trên tay anh T. có một vết thương còn chưa lành. BS Loạn nhận định nhiều khả năng khuẩn liên cầu lợn đã thâm nhập vào cơ thể nạn nhân qua vết thương này. Cũng theo BS Loan liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm thường đi kèm với viêm màng não mủ bệnh nhân nhiễm loại bệnh này có nguy cơ tử vong cao.
Thống kê của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho thấy, từ đầu năm 2012 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 23 trường hợp nhiễm liên cầu lợn, nhờ được điều trị kịp thời nên chưa xảy ra ca tử vong nào. Liên cầu khuẩn là loại vi khuẩn thường trú trong cơ thể lợn. Người có vết thương hở tiếp xúc hoặc người ăn thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín, vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập sang cơ thể con người.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, thịt phải được nấu chín trước khi ăn. Những người buôn bán giết mổ lợn cần phải mang găng tay để tránh bị nhiễm loại bệnh nguy hiểm này.
Theo Dân trí