Nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình

(PLO) - Ngày 11/11/2016, tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN)”. Phòng, chống thiên tai, TKCN được xác định là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của quân đội.
Tàu CSB 9002 lai kéo tàu ĐNa 0494 bị hỏng máy trên biển về cảng Đà Nẵng
Tàu CSB 9002 lai kéo tàu ĐNa 0494 bị hỏng máy trên biển về cảng Đà Nẵng

Những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bão, lũ xảy ra mật độ cao, tính chất phức tạp hơn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đại tá Trần Văn Kim - Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN, Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết: “Từ năm 2005 đến nay trên toàn quốc đã xảy ra hơn 39.600 vụ thiên tai, sự cố làm chết hơn 11.500 người, mất tích gần 1.500 người, bị thương hơn 11.250 người, hư hỏng, chìm gần 9.000 phương tiện, hơn 403.900 ngôi nhà, hư hại hơn 1 triệu héc-ta hoa màu, cháy hơn 27.000ha rừng... Những thiệt hại đó đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, để lại hậu quả không chỉ một sớm, một chiều có thể khắc phục...”.

Điển hình, năm 2006 có tới 10 cơn bão, 4 đợt áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại cho địa phương hơn 7.100 tỷ đồng, làm chết và mất tích 332 người, bị thương 859 người. Năm 2009, bão số 9 và số 11 đổ bộ vào địa bàn quân khu 5, kèm theo lũ lụt đã làm 308 người chết và mất tích, 599 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 14.000 tỷ đồng. Năm 2011, thiên tai đã làm 52 người chết, 54 người bị thương, hơn 10 vạn ngôi nhà bị hư hỏng, sập đổ, hơn 7 vạn con gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại kinh tế lên tới hơn 1.157 tỷ đồng.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 cho biết: “Những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch, quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ thường xuyên xác định phòng, chống thiên tai, TKCN là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của đơn vị, từ đó nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, nguy hiểm, kể cả hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”. 

Từ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống sự cố, thiên tai, TKCN trên địa bàn, Thiếu tướng Ngô Quý Đức đã đưa ra 7 nhóm giải pháp của Quân khu 5, trong đó nhấn mạnh: “Cùng với việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, từ quân khu đến cơ sở đã chú trọng bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống cụ thể, phê chuẩn theo phân cấp, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn, tích cực chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, tổ chức hiệp đồng, huấn luyện, diễn tập theo các phương án cụ thể...”. 

Quân khu 5 là địa bàn rộng lớn, có bờ biển dài, vùng biển rộng nên công tác cứu hộ-cứu nạn (CH-CN) gặp nhiều khó khăn. Với phương châm “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, từ năm 2010 đến nay, Vùng 3 Hải quân đã tổ chức thành công 28 đợt cứu nạn với hàng trăm người, riêng năm 2016 đã cứu nạn được 4 tàu với 36 ngư dân. “Kết hợp tuần tra, thực thi pháp luật với CH-CN trên biển”, năm 2016, Vùng Cảnh sát Biển 2 đã CH-CN thành công 8 phương tiện, 85 ngư dân. 

Đại tá Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Cục CH-CN đã đưa ra những con số minh chứng cho những đóng góp to lớn của quân đội: Chỉ tính trong hai 2 đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua, các đơn vị quân đội đã huy động gần 26.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có gần 10.500 bộ đội, hơn 15.500 dân quân tự vệ) và 413 phương tiện giúp đỡ, di dời 7.993 hộ dân ở vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp gần 73.600 ngày công giúp đỡ nhân dân và chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Các đơn vị còn tổ chức khám và cấp thuốc cho hàng nghìn lượt người, hỗ trợ hàng chục tấn lương thực, nhu yếu phẩm và ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho đồng bào trong lúc khó khăn... 

Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, TKCN, cùng thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, toàn quân luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân kịp thời, hiệu quả. Đại tá Phạm Văn Hiệp, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết: “Trước mùa mưa bão, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân thường xuyên có 2 tàu trực tại bến, 2 tàu trực tuần tra trên biển. Khi mưa bão đến sẽ có 2 tàu vận tải làm nhiệm vụ thông báo bão, các tàu chống lật, tàu kéo, tàu vận tải, tàu phóng lôi... với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng cơ động TKCN”.

Sư đoàn Không quân 372 thường xuyên duy trì các đội TKCN đường không và mặt đất theo quy định để khi có tình huống là thực hiện nhiệm vụ được ngay, thực hiện thành công hơn 400 chuyến bay cứu trợ, cứu nạn, vận chuyển hơn 90 lượt người và gần 200 tấn hàng hóa, lương thực, thuốc men cứu trợ nhân dân vùng bão lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và nước bạn Campuchia thời gian qua. 

Tham gia phòng chống thiên tai, CH-CN, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân như chiến sĩ Rơ Châm Thuyên hy sinh thân mình để cứu đồng đội giữa dòng nước lũ vào ngày 9/8/2007. Anh là tấm gương tiêu biểu trong hàng chục tấm gương hy sinh khi làm “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. 

Thời gian qua đã có 31 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, TKCN. Những tấm gương hy sinh của các chiến sĩ đã khẳng định, dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đến đâu nhưng để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta vẫn luôn sẵn sàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Đọc thêm