Nhiệm vụ luôn quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Xử lý kiên quyết, kịp thời, đúng pháp luật những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên quốc gia và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng”.
Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Đó là một trong các nội dung được nêu ra tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Với nguồn lực của đất nước về đất đai, tài nguyên; với những thứ đã làm ra... nếu quản lý được tốt hơn, kiểm soát được tham nhũng, hạn chế được lãng phí, thất thoát chúng ta đã có thêm rất nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cuộc sống của nhân dân đã được nâng lên ở mức cao hơn. Đáng tiếc, tham nhũng, thất thoát, lãng phí vẫn là điều đáng lo ngại.

Gần đây, tại cuộc họp của Bộ Chính trị (ngày 11/3), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh PCTN mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực là bao gồm cả đấu tranh phòng, chống lãng phí... Do đó, vấn đề nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Trung ương xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh đã được đặt ra.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN, không chỉ cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, “tự soi”, “tự sửa”; triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án để bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng với hoạt động truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền, mà còn phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục những “lỗ hổng” của luật pháp.

Vụ án Việt Á đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, cho thấy, ý nghĩa quan trọng của “lồng pháp luật” trong đấu tranh PCTN. Khi “chủ nghĩa vật chất” lên ngôi, đồng tiền có một sức cám dỗ đặc biệt... Không nói trước, biết trước, bảo đảm được rằng, những người hôm qua đang là “tấm gương”, hôm nay đã sa ngã vì “suy thoái” tham tiền.

Thực tiễn công tác đấu tranh PCTN cũng cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đang có vấn đề hình thức. Nhiều vụ việc bàng hoàng dư luận, nếu không có người tố cáo thì không thể ai biết. Vụ án VKS Tối cao khởi tố ở Đồ Sơn (Hải Phòng) cho thấy điều đó. Do vậy, cần “thực hiện nghiêm quy định bảo vệ người tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những mô hình hay, các điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, có sức lan toả lớn trong xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực”.

Đọc thêm