Nhiệm vụ trọng tâm đổi mới giáo dục

(PLVN) - Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là chuyện lớn của quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Ảnh minh hoạ.

Để đáp ứng thực tiễn, Luật Giáo dục đã 4 lần sửa đổi, bổ sung. Trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan GD&ĐT, còn nhiều luật khác và rất nhiều văn bản dưới luật. Thiết chế giáo dục cũng thay đổi một số lần với nhiều loại mô hình. Giáo dục Việt Nam đã có nhiều thành tựu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; nhưng cũng còn tồn tại một số vấn đề.

Chính vì thế, gần đây (ngày 12/8/2024), Bộ Chính trị có Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT nhấn mạnh: “Đổi mới GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm”. Trước đó, Thủ tướng cũng đã một số lần khẳng định quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

Việt Nam có bước được vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một phần phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Chính vì thế, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược; hướng tới các mục tiêu năm 2030, 2045 của đất nước.

Tại cuộc họp vừa nêu, Thủ tướng nhấn mạnh các yếu tố mang tính phương châm về: Thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập; một trong những nội dung lưu ý khi xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng cơ chế, chính sách.

Trong các nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất, có nội dung nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam; và các thiết chế trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Đó là những chỉ đạo được dư luận quan tâm, đồng tình; sẽ là những đột phá để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Kết luận 91-KL/TW và Nghị quyết 29-NQ/TW đặt ra.

Đọc thêm