Nhiệm vụ ưu tiên

(PLVN) -  Cuối tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội đã có các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào 22/5/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu và cử tri TP Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu và cử tri TP Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân dân

Cử tri quan tâm điều gì? Trước hết, về các vấn đề quốc kế dân sinh, cùng với đó là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các vấn đề an ninh, an toàn, an dân, việc làm và sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo hiểm - tiền lương, các chế độ, chính sách với công nhân, lao động… luôn luôn được nhân dân cả nước quan tâm. Ngay sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2022) đến nay, các cơ quan liên quan đã tập trung giải quyết các vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị; đồng thời triển khai các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp được quyết nghị, thông qua tại kỳ họp, như thúc đẩy công tác quy hoạch, thi hành Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)…

Từ Kỳ họp thứ 4 đến nay, từ thực tế đã tiếp tục khẳng định nhận định "tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi", đặc biệt là do tác động, hậu quả kéo dài của COVID-19 và tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tới đầu tháng 5 vừa rồi, Tổ chức Y tế thế giới mới chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Tuy nhiên, với tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi", "càng áp lực lại càng nỗ lực", dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua được đại dịch COVID-19, thực hiện thành công chiến lược vaccine, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ bao phủ vaccine, chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, Việt Nam tăng trưởng 8,02% - là một “điểm sáng” trong khu vực và thế giới. Những tháng đầu năm 2023, chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Chính phủ luôn nhấn mạnh yêu cầu "vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua", bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Do vậy, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đang là nhiệm vụ được ưu tiên.

Đọc thêm