Nhiệt điện không chỉ có điện

(PLO) - Ngoài việc sản xuất ra hàng tỷ kWh điện mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn ở khu vực phía Nam còn thải ra trên dưới 1 triệu tấn tro xỉ/năm. “Sản phẩm đầu ra” này nếu được xử lý bài bản, không những không gây hại cho môi trường mà còn sinh ra... tiền.
Bãi thải xỉ Nhiệt điện Duyên Hải I thường xuyên được phun nước tạo độ ẩm, tránh bụi phát tán ra môi trường

Việc thu tiền từ chất thải là điều đã và sẽ được thực hiện tại các nhà máy nhiệt điện sử dụng lò hơi công nghệ đốt than phun (PC). Bởi mỗi tấn tro xỉ bơm vào xe, nhà máy nhiệt điện đã có thể “bỏ túi” 24 ngàn đồng tại thời điểm này...

Doanh nghiệp hứa bao tiêu trọn đời 

“Lý lịch” của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải I cho thấy, cơ sở phát điện nói trên hiện đang có 2 tổ máy phát điện thương mại, với tổng công suất thiết kế là 1.245 MW. Nhiên liệu chính để phát điện là than cam 6a.1 (Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Ninh), với tỷ lệ tro xỉ khoảng trên 30%.

Thông kê năm 2015, Nhiệt điện Duyên Hải I đã phát được 1,28 tỷ kWh điện, 9 tháng đầu năm 2016 sản lượng điện được tạo ra là hơn 5 tỷ kWh. Với con số này, nhà máy sẽ phải thải ra khoảng hơn 1 triệu tấn chất thải/năm (gồm tro bay và xỉ đáy lò). Đáng nói, dù là chất thải của nhiệt điện, nhưng tro xỉ lại là nguyên liệu đầu vào của ngành vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung...

Ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho hay, hiện công ty ông đã ký hợp đồng mua bán tro xỉ số lượng khoảng hơn 1,2 triệu tấn/năm với nhiều đầu mối như Liên danh Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật và Thương mại Hoàng Quý - Công ty CP Việt Long, Công ty TNHH Hoàng Sơn và Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Nguyễn Trình, giá bán 24 ngàn đồng/tấn ngay tại silo khu vực bãi thải xỉ của nhà máy này.

“Chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất và dàn xe chuyên dụng để thu gom tro xỉ từ Thị xã Duyên Hải đưa về nhà máy sản xuất ra sản phẩm gạch không nung. Mỗi viên gạch xuất xưởng có giá bán khoảng 6 ngàn đồng. 

Sau đó, những sản phẩm này sẽ được vận chuyển bằng đường thủy tiêu thụ tại các  tỉnh phía Nam và TP.HCM. Phản hồi của thị trường về loại vật liệu mới này bước đầu là tương đối khả quan.”, ông Nguyễn Trình - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Nguyễn Trình (Trà Vinh) nói và nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp của ông muốn hợp tác lâu dài với Công ty Nhiệt điện Duyên Hải để phát triển dự án gạch không nung, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.

Riêng đối với 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân II (công suất hơn 1.200 MW), mỗi năm dự tính thải ra khoảng 1,3 triệu tấn tro xỉ. Bãi thải xỉ được bố trí trên diện tích 38,37 héc ta, nhưng với khối lượng chất thải như đã nêu thì bãi này sẽ đầy sau 7 năm nhà máy vận hành.

Vì thế, Công ty Nhiệt điện Vinh Tân cũng đã tìm kiếm và thỏa thuận xong việc tiêu thụ số chất thải trọn đời của nhà máy (28 năm). “Chúng tôi và Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh đã ký hợp đồng về việc xử lý tro, xỉ than bắt đầu từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2044. Ngoài ra, công ty cũng đã cung cấp tro xỉ cho Công ty TNHH Vạn Gia làm nguyên liệu cho nhà máy gạch không nung, nhằm hạ thấp tỷ lệ tro xỉ tồn tại bãi thải Hố Dừa”, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân Thiên Thanh Sơn nói.

Gạch không nung của Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trình được sản xuất từ tro xỉ thải ra của Nhiệt điện Duyên Hải I

Chính quyền cấp đất xây nhà máy gạch

Chung tay với chủ đầu tư trong việc xử lý vấn đề môi trường tại bãi thải, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết: “Vấn đề mấu chốt để nhà máy vận hành tốt, người dân đồng thuận đó là phải xử lý triệt để chất thải, tránh phát tán gây ô nhiễm môi trường. 

Vì vậy, ngay sau khi có đơn vị thu mua tro xỉ để làm gạch, địa phương đã quyết định bố trí một khu đất rộng 26 héc ta để doanh nghiệp này làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Việc này chúng ta cần phải làm căn cơ, bởi bây giờ mới 1 nhà máy, sau này lên tới 4 nhà máy, không thể không bài bản được”.

Được biết, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, sự cam kết của doanh nghiệp đối tác, các Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân... đều đặc biệt lưu ý đến vấn đề xử lý chất thải trong hàng rào nhà máy. Cụ thể, khu bãi thải Nhà máy nhiệt điện Duyên hải I bố trí ở hướng Đông - Bắc của Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Tại đây, chủ đầu tư đã cho thiết kế một hệ thống chống thấm và đê quây nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực.

“Với đặc thù khí hậu của Trà Vinh, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa gió chướng khắc nghiệt, nên ở khu vực bãi thải xỉ, chúng tôi đã đang lắp đặt đường ống phun nước tự động trên bề mặt để tạo ẩm, tránh phát tán bụi từ đây ra môi trường không khí. Còn các xe vận chuyển tro, xỉ từ silo ra bãi thải đều là xe chuyên dụng kín. Ngoài ra, đơn vị còn lên kế hoạch trồng khoảng 3.000 cây xung quanh nhà máy để tạo màu xanh, đồng thời nhắc nhớ ý thức bải vệ môi trường”, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Âu Nguyễn Đình Thảo thông tin thêm.

Tương tự, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II cũng trang bị các hệ thống thiết bị xử lý môi trường với công nghệ tiên tiến trên thế giới như hệ thống  khử NOx (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử SOx (FGD) và hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo khí thải và nước thải của nhà máy sau khi xử lý xong phải đạt các quy, tiêu chuẩn về môi trường hiện hành.

“Theo kết quả phất tích mới nhất, các mẫu tro xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân II tại silo và bãi xỉ lấy hôm 7/6/2016 của Trung tâm Công nghệ Môi trường tại TP.HCM cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ đều năm trong giới hạn cho phép theo QCVN 07:2009/BTNMT. Chứng minh tro xỉ tại Nhiệt điện Vĩnh Tân II không phải là chất thải độc hại.”, ông Thiên Thanh Sơn - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân dẫn chứng.

Rõ ràng, khâu xử lý môi trường tại các nhà máy nhiệt điện phải là việc làm thường xuyên, liên tục bởi đó là các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nó còn thể hiện lương tâm, trách nhiệm của chủ đầu tư đối với đời sống của người dân nơi các doanh nghiệp đặt nhà máy. 

Bốn nhà máy không thể không căn cơ

“Vấn đề mấu chốt để nhà máy vận hành tốt, người dân đồng thuận đó là phải xử lý triệt để chất thải, tránh phát tán gây ô nhiễm môi trường. 

Vì vậy, ngay sau khi có đơn vị thu mua tro xỉ để làm gạch, địa phương đã quyết định bố trí một khu đất rộng 26 héc ta để doanh nghiệp này làm nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Việc này chúng ta cần phải làm căn cơ, bởi bây giờ mới 1 nhà máy, sau này lên tới 4 nhà máy, không thể không bài bản được”, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Đọc thêm