Nhiều bác sĩ dù được về vẫn sẵn sàng ở lại chi viện TP HCM đến hết dịch

0:00 / 0:00
0:00
'Chúng tôi không thể ngồi yên khi các đồng nghiệp ở TP HCM cũng như các tỉnh miền Nam đang trong điều kiện hết sức khó khăn', PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Là người trực tiếp có mặt tại Đồng Nai, một trong ba điểm “nóng” nhất về dịch bệnh thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương chia sẻ, có thể nhìn thấy rõ nhất sự tàn phá của đại dịch COVID-19 qua số lượng ca nhiễm và trở nặng tăng quá nhanh, số tử vong rất nhiều. Thời gian đầu, các y bác sĩ tại nhiều bệnh viện phía Nam thậm chí không kịp làm hồ sơ, bệnh án.

“Điều này tác động không chỉ về chuyên môn mà cả về tinh thần của chúng tôi. Nếu không có bản lĩnh, mọi người sẽ rất hoảng loạn. Bởi vậy, chúng ta phải thông cảm với một số y bác sĩ không thể chịu nổi áp lực. Có những đồng nghiệp của chúng tôi khi vào đó thay đổi về tâm tính, tinh thần, là một biểu hiện trầm cảm. Đó là những điều tai hại ta có thể nhìn thấy được”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, theo PGS Nhung, chúng ta còn nhìn thấy một góc độ khác của đại dịch, là tinh thần tương thân tương ái mà đồng bào cả nước hướng về TP HCM và miền Nam. Cần nhìn vào sự tích cực đó để tiếp tục các nhiệm vụ trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương.

Bệnh viện Phổi Trung ương được Bộ Y tế giao phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên đã hỗ trợ cho Đồng Nai toàn diện về điều trị, không riêng hồi sức tích cực.

PGS Nhung cho biết, việc huy động một lực lượng lớn Bệnh viện Trung ương từ Bắc vào Nam để thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị COVID-19 là nhiệm vụ, quyết sách rất đúng đắn nhưng cũng rất nặng nề.

“Làm thế nào vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Hà Nội, vừa hoàn thành nhiệm vụ tại tuyến đầu? Đó sẽ là bài toán cho từng lãnh đạo bệnh viện. Chúng tôi xác định đây là việc phải làm. Chúng ta không thể ngồi yên được khi các đồng nghiệp ở TP HCM cũng như các tỉnh xung quanh đang trong điều kiện hết sức khó khăn”, PSG Nhung nói.

Ông nêu dẫn chứng về Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), nơi chuyên điều trị các bệnh phổi, thời điểm căng thẳng nhất chỉ một đêm đã 300 bệnh nhân nhập viện, là con số “không có cơ sở y tế nào chịu nổi”. Rất nhiều trường hợp vừa vào cổng bệnh viện đã tử vong.

“Nếu như không có nhiệm vụ, chúng tôi cũng không thể ngồi yên. Đó là động lực hết sức lớn và anh em đi vào tuyến đầu hoàn toàn tự nguyện, lấy tinh thần xung phong”, ông Nhung cho hay.

Khi cử một lượng lớn “quân tinh nhuệ” vào Đồng Nai chi viện, tại đầu Hà Nội, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương đã lên sẵn những kịch bản “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, ủy quyền cho các y bác sĩ ở nhà trong khoảng thời gian “tướng ra trận”. Đồng thời, có thêm chế độ, chính sách để anh em yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sĩ Nhung chia sẻ, bệnh viện đặc biệt chú ý đến chế độ cho nhân viên y tế vào Nam chi viện. Ngoài các quy định về chế độ chống dịch, lương cũng được giữ nguyên. Các gia đình có người đi chống dịch được quan tâm tới việc tiêm vaccine hay quà Trung thu.

“Dù đó là những chuyện nhỏ nhưng thể hiện sự động viên lớn. Bởi vậy, khi chúng tôi phát lệnh có thể về nhưng anh em bảo sẽ ở cho tới xong”, ông nói.

Trước câu hỏi về khả năng đáp ứng của năng lực y tế trong tình hình dịch bệnh hiện tại, PGS Nhung nhận định, trước đây, chúng ta có hơn 10.000 ca nhiễm/ngày, nhưng bây giờ giảm xuống chỉ còn hơn 3.000 ca. Những trường hợp mới mắc cũng giảm rất nhiều về nguy cơ chuyển nặng, phải hồi sức tích cực.

“Định hướng mới là sống chung, an toàn với COVID-19, xác định dịch vẫn tồn tại, biến chủng vẫn xuất hiện. Nhưng chúng ta phải “chủ động” đồng nghĩa mọi thứ phải sẵn sàng, trong đó có hệ thống y tế”, ông cho hay.

Theo ông, hệ thống y tế ở đây không chỉ có hồi sức tích cực mà còn là y tế xã phường. Đây là nơi giải quyết 80-90% ca bệnh, nhất là khi tỷ lệ người dân đã tiêm đủ vaccine đang tăng (tỷ lệ trở nặng giảm). Nếu chỉ giải quyết được hồi sức tích cực sẽ không giảm được tử vong, bởi vậy cần chuẩn bị cho việc tiếp cận việc điều trị từ giai đoạn sớm.

Dự đoán về thời điểm kết thúc Covid-19, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, nếu định hướng “Zero COVID” trong cộng đồng (không có ca COVID-19) thì chúng ta không bao giờ kết thúc được đại dịch, theo như những bằng chứng khoa học trên thế giới.

Nhưng nếu đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, chung sống một cách an toàn, linh hoạt với dịch bệnh như chỉ đạo của Chính phủ thì đến nay chúng ta đã tương đối chủ động. “Có thể nói tới giờ, chúng ta đã kết thúc dịch ở một số lượng khá lớn các tỉnh. Theo quan điểm như vậy, chúng ta có thể kết thúc sớm đợt dịch này”, ông nhận định.

Đọc thêm