Nhiều băn khoăn về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(PLO) - Khi thảo luận về Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tỏ ra băn khoăn trước đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VPQPPL) của chính quyền cấp xã và việc đánh giá tác động của VBQPPL trước khi ban hành
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã được khai mạc sáng qua (15/4) tại Hà Nội. 
Văn bản sẽ không khả thi nếu đánh giá tác động hình thức
Đó là nhận xét của một số ĐBQH tại Hội nghị liên quan đến qui định về đánh giá tác động trước khi ban hành VBQPPL. ĐBQH Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, nhiều cử tri có ý kiến về chất lượng một số văn bản của Quốc hội, Chính phủ có vấn đề, tính hiệu lực chưa cao.
Một trong các nguyên nhân là do việc đánh giá tác động của VBQPPL chưa thực chất, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản không đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Dự thảo Luật phải qui định rõ hơn về báo cáo đánh giá tác động của VBQPPL để tránh hình thức.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số Dự án luật trình Quốc hội
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số Dự án luật trình Quốc hội 
Nhiều ĐBQH cũng đồng tình và kiến nghị bổ sung thêm quy định đánh giá về mức độ lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không lấy ý kiến như thế nào… để việc lấy ý kiến có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tạo cơ chế để cải thiện thay vì bỏ thẩm quyền
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật ban hành VBQPPL, cấp xã là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều VBQPPL do cấp xã ban hành chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên... Do đó, Dự thảo đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã.
Song, nhiều ĐBQH không đồng tình với việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã. ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) chỉ ra rằng, xã là chính quyền địa phương, là đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân nhưng lại không có thẩm quyền ra các nghị quyết để có thể thực hiện công tác giám sát, kiểm tra là không hợp lý. Còn ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định, việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã là loại bỏ năng lực của cấp cơ sở. 
ĐBQH Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đề nghị cân nhắc một cách thận trọng vấn đề này bởi thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã được hiến định, do đó việc chính quyền cấp xã không được ban hành VBQPPL là không hợp lý.
Từ đó, giải pháp được một số ĐBQH đưa ra để khắc phục những bất cập trong việc ban hành VBQPPL của cấp xã là tạo cơ chế để cải thiện thay vì bỏ thẩm quyền./.
Giao Bộ Tư pháp phản biện về Thông tư của các Bộ, ngành
Một số ĐBQH có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ thông tư liên tịch của liên ngành Tư pháp do nhiều quy định trong lĩnh vực tư pháp hiện phải có các thông tư hướng dẫn mới thực hiện được. ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, thông tư liên tịch của các Bộ, ngành trong lĩnh vực tư pháp là văn bản rất có tác dụng nên cần giữ lại để tránh trường hợp các VPQPPL trong lĩnh vực này chỉ nói chung chung, khiến luật không thi hành được. 
Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong việc ban hành thông tư của các Bộ, ngành, có ĐBQH đề nghị qui định về “bộ phận phản biện” độc lập đối với các thông tư và giao cho Bộ Tư pháp thực hiện.

Đọc thêm