Với nhận định này, cho ý kiến về Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật (VBPL) tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình chia quá trình xây dựng VBPL thành 2 bước: hoạch định chính sách và quy trình soạn thảo VBPL. Và người dân cần tham gia ngay từ khâu hoạch định chính sách chứ không đợi đến khi có dự thảo VBPL mới được lên tiếng.
Chỉ biết khi chính sách được ban hành
Trong quá trình thực hiện hai luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, các cơ quan, tổ chức kiến nghị xây dựng văn bản đã có định hướng về chính sách, những vấn đề cơ bản của chính sách được thể hiện trong hồ sơ kèm theo đề xuất.
Điều đáng ghi nhận là cách làm chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ đã được đổi mới khá cơ bản, từng bước khắc phục tính hình thức trong việc đề xuất các dự án luật, pháp lệnh; góp phần làm cho chương trình, kế hoạch lập pháp có tính khoa học - thực tiễn hơn thông qua yêu cầu phải làm rõ trong các đề xuất chính sách, dự báo sơ bộ tác động kinh tế - xã hội, lộ trình ban hành, cơ quan soạn thảo và các điều kiện bảo đảm... làm cho hoạt động xây dựng pháp luật sát hơn với yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, cơ quan xem xét, thông qua kiến nghị là Chính phủ, Quốc hội chưa được báo cáo đầy đủ về chính sách nên chưa thể tập trung thảo luận, xem xét, thông qua chính sách đó. Trong quá trình xây dựng văn bản, do không có điểm tựa về chính sách nên dự thảo VBPL luôn phải thay đổi theo ý kiến của các chủ thể tham gia xây dựng văn bản.
Điều đó làm cho việc soạn thảo, ban hành văn bản bị kéo dài, chậm tiến độ, chất lượng thấp, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực, thậm chí đi lệch chính sách là mục tiêu của việc xây dựng, ban hành văn bản.
Do hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh có trường hợp hiệu quả chưa cao; việc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến văn bản chưa được quan tâm đúng mức; chưa chú trọng đến việc thu thập và xử lý thông tin, tài liệu nên công đoạn phân tích chính sách, đánh giá tác động trước khi xây dựng dự thảo luật có trường hợp chưa được Ban soạn thảo thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Từ đó dẫn đến nội dung của một số dự án luật, pháp lệnh nếu xét ở giai đoạn trình so với văn bản luật, pháp lệnh khi được thông qua thay đổi nhiều.
Điều đáng lưu ý là ở giai đoạn xây dựng chính sách hiện nay, việc lấy ý kiến người dân còn rất mờ nhạt. Đa số chỉ biết đến chính sách khi đã được ban hành và có không ít trường hợp dân phải “dài cổ” chờ chính sách đủ điều kiện để thực thi. Tình trạng đó không chỉ làm lãng phí nguồn lực hoạch định chính sách mà còn khiến cho người dân dần thờ ơ với những chính sách của Nhà nước vì “chính sách có tốt đến đâu mà xa rời thực tiễn, không khả thi thì cũng vô ích”.
Có ý dân, chính sách sẽ sát thực tiễn
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, cần coi trọng việc xây dựng chính sách là khâu quan trọng để đảm bảo tính khả thi của pháp luật. Đưa việc thẩm định chính sách cùng với việc thẩm định sáng kiến trình dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Trong quá trình này, cần lấy ý kiến của người dân để có những chính sách sát với thực tế, tránh việc “chính sách trên trời được ban hành cho dân dưới đất” vì không đủ điều kiện để thực hiện.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên kế thừa quy định của luật hiện hành và có thể bổ sung những vấn đề mới cho phù hợp hơn vì có thể nói là ngay từ khi có sáng kiến pháp luật, ngay từ khi lập chương trình xây dựng pháp luật cho đến quá trình soạn thảo, ban hành các VBPL thì chính sách cũng đang tiếp tục được bổ sung hoàn thiện.
“Không phải chỉ nói là cứ hoạch định chính sách ngay khi đưa vào chương trình thì đã xong. Sau đó cứ trên cơ sở chính sách đó để xây dựng VBPL. Qua hoạt động lập pháp thấy rằng, chính sách cần cả một quá trình để hoàn thiện, bổ sung, không phải ngay từ đầu khẳng định luôn” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết.
Do đó, vấn đề đặt ra là xác định sự cần thiết của khâu hoạch định chính sách trong toàn bộ quá trình xây dựng VBPL và mức độ tham gia của người dân trong khâu này. Với bà Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo: “Đề xuất chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân nên phải để mọi người dân được tham gia chứ không chỉ những người có liên quan”./.