Nhiều băn khoăn về phát triển nguồn trong Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khoảng nửa năm ban hành Quy hoạch điện (QHĐ) VIII, kế hoạch thực hiện quy hoạch này vẫn chưa được thông qua do đang gặp một số vướng mắc liên quan đến phát triển các nguồn điện.
Cần có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa - EVN)
Cần có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa - EVN)

Mới có 11 tỉnh đưa dự án ưu tiên vào kế hoạch thực hiện

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII). Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra tiêu chí về kỹ thuật, tính khả thi, pháp lý, hiệu quả kinh tế... để lựa chọn, đề xuất các dự án nguồn điện, bảo đảm cân đối giữa nguồn (điện khí, điện than, thuỷ điện, sinh khối, điện gió, điện mặt trời) và hệ thống truyền tải.

Hiện đã có 58/63 tỉnh đã báo cáo về đề xuất dự án nguồn điện sẽ triển khai trên địa bàn, nhưng mới chỉ có 11 địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương về tiêu chí sàng lọc, phân loại thứ tự dự án ưu tiên để đưa vào Kế hoạch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, Bộ Công Thương đã trao đổi về từng nhóm vấn đề cụ thể như điều chỉnh phân bổ công suất nguồn cho từng địa phương; các dự án thuỷ điện, điện rác, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời, điện mặt trời áp mái... không phù hợp với tổng công suất nguồn của QHĐ VIII; chuyển các dự án điện than sang điện khí; điều chỉnh các dự án nguồn điện trong vùng kinh tế - xã hội...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bản kế hoạch phải thực hiện được QHĐ VIII theo tiến độ, mục tiêu đặt ra, nhưng không hạn chế sự sáng tạo hay làm mất đi cơ hội phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm hiệu quả, lợi ích kinh tế.

Đối với nhóm địa phương đã đáp ứng đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công Thương về xác định các dự án nguồn điện, đúng chỉ tiêu công suất được phân bổ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đưa vào danh mục dự án trong Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII, có thời gian triển khai, tiến độ, trách nhiệm cụ thể; bảo đảm đồng bộ giữa các nguồn, hiệu quả đầu tư, an ninh an toàn năng lượng...

Kiến nghị chính sách đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi

Theo QHĐ VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424MW) và điện gió ngoài khơi (ĐGNK) (6.000MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và ĐGNK sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Tuy nhiên, tại cuộc họp trước đó của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, có một số khó khăn, vướng mắc chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện các dự án điện khí, ĐGNK, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án này, nhằm đáp ứng tiến độ theo QHĐ VIII. Riêng dự án ĐGNK đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Do đó, để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và ĐGNK theo QHĐ VIII, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoạt động cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, ĐGNK để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20/12/2023.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng hợp từ báo cáo của các đơn vị để báo cáo Chính phủ, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và ĐGNK theo QHĐ VIII.

Thực tế triển khai dự án điện khí (gồm: lựa chọn nhà đầu tư, lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC) cần khoảng thời gian 7 - 8 năm. Đối với dự án ĐGNK, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, ĐGNK để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan.

Đọc thêm