Nhiều bí ẩn với hiện tượng hy hữu trẻ sơ sinh mang bầu

(PLO) - Gần đây trường hợp một bé trai mới 2 tháng tuổi được phát hiện chứa một bào thai trong ổ bụng ở Quảng Ngãi khiến người dân hoang mang… Sự thật của hiện tượng kỳ bí này là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Thai trong thai – tỷ lệ vô cùng nhỏ!
Trường hợp lạ lùng, hiếm gặp này xảy ra với bé Huỳnh Võ Văn Ngh, trú tại Bình Thuận, Bình Sơn, Quãng Ngãi vào tháng 9 năm 2014. Theo các bác sỹ Khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Bé Ngh được bố mẹ phát hiện bụng càng ngày càng lớn dần, kèm theo các triệu chứng khó thở, sốt cao một ngày trước khi nhập viện nên đã được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trước mổ, nghi ngờ một khối u quái lớn trong ổ bụng bệnh nhi gây nên hiện tượng thiếu máu và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, các bác sĩ kíp trực hôm đó đã quyết định phẫu thuật và phát hiện một thai lớn ký sinh trong bụng cháu bé. 
Do bệnh nhân quá nhỏ, sức khỏe yếu nên ca mổ phải thực hiện hơn 2 tiếng đồng hồ. Vì thai ký sinh lớn chèn ép lên động tĩnh mạch mạc treo tràng trên nên phẫu thuật viên phải bóc tách hết sức cẩn thận để bảo tồn ruột và tránh các tai biến khác cho bệnh nhân. 
Tuy đã xác định trước nhưng khi được bóc ra, cả kíp trực đã ngạc nhiên khi nhìn thấy khối thai có kích thước lên tới 20x7x5cm, nặng 1kg, bao gồm cả tay chân, cột sống, một phần gan, toàn bộ ruột kể cả ruột thừa…
Các chuyên gia y tế cho biết, thai trong thai (Fetus in fetu) là hiện tượng phát triển bất thường, trong đó, một khối mô có cấu trúc giống bào thai (chân tay, bìu, xương sọ, thận, đốt sống, da, tóc...) phát triển bên trong cơ thể thai nhi. Trường hợp này cực kỳ hy hữu, ước tính chỉ xảy ra khoảng 1 trong 500.000 ca. 
TS. Bác sỹ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản, Bệnh viện Từ Dũ cho hay, một thai trong thai có thể được coi là còn sống, nhưng chỉ trong ý nghĩa rằng mô/thành phần của nó chưa chết hoặc bị loại bỏ. Như vậy, cuộc sống của một thai trong thai giống như của một khối u, trong đó các tế bào của nó vẫn còn tồn tại, hoạt động chuyển hóa bình thường. Tuy nhiên, do khối thai này nằm trong thai kia nên không có nước ối, màng ối và nhau thai bao quanh. 
Khối thai trong thai này được cung cấp máu từ thai nhi mà nó ký sinh, thai trong thai bị khiếm khuyết nặng nề về cấu trúc (thiếu một vài cơ quan quan trọng) cũng như các khả năng sinh tồn, chẳng hạn như không có chức năng bình thường của não, tim, phổi, đường tiêu hóa, hoặc đường tiết niệu. Vì vậy, khối thai trong thai này không thể sống được nếu tách ra khỏi cơ thể của ký chủ. Ngoài ra, khối thai trong thai có thể đe dọa đến tính mạng của người chị em/anh em mà nó ký sinh. Người chị em/anh em song sinh của nó mang khối u lớn bên trong cơ thể, có thể bị đau đớn, khó thở, bí tiểu... do khối u chèn ép.
Cũng theo bác sỹ Thu Hà, tính đến nay có hơn 200 trường hợp thai trong thai được ghi nhận trên y văn. Có khá nhiều trường hợp thai trong thai cũng đã được báo cáo trong những năm qua trên thế giới. Gần 90% trường hợp thai trong thai được phát hiện trước 18 tháng tuổi. Hiếm trường hợp phát hiện muộn. Đa phần thai trong thai nằm trong ổ bụng của thai ký chủ, tuy nhiên có vài trường hợp được ghi nhận nằm ở các vị trí khác. Năm 2008, trường hợp bé Sam Esquibel (bang Colorado, Mỹ) ba ngày tuổi, được phẫu thuật lấy một khối u trong não ra, bên trong khối u này chứa hai bàn chân, một bàn tay và một đùi. 
Hầu hết những trường hợp thai trong thai được phát hiện sau khi mổ lấy khối u. Tuy nhiên, vẫn có thể chẩn đoán được trước khi phẫu thuật qua phương tiện chẩn đoán trước sinh như siêu âm, X-quang, CT scan và MRI…
Trường hợp bệnh nhân thai trong thai được cứu sống ở Quảng Ngãi.
Trường hợp bệnh nhân thai trong thai được cứu sống ở Quảng Ngãi. 
Chưa rõ nguyên nhân?
Ở Việt Nam, giới chuyên môn cho biết, đã có vài trường hợp được báo cáo. Hầu hết các trường hợp thai trong thai đều bị chết khi còn trong bụng mẹ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Theo GS. TS. Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực sản khoa, ông chỉ nghe nói về các trường hợp này trong y văn, nhưng nó vô cùng hiếm gặp. 
Việt Nam tuy có một vài ca được ghi nhận nhưng chưa có những bằng chứng thật sự rõ ràng. Thực tế, nếu xảy ra trường hợp trên, cũng không quá nguy hiểm cho bệnh nhân được thai nhi ký sinh, vì thai nhi đã chết rồi.
Xét về mặt cấu thành, chuyên gia sản phụ khoa Lê Thị Hiếu Liên phân tích, tuy chưa gặp trong thực tế nhưng thực chất thai trong thai thuộc trường hợp song sinh từ trong cơ thể mẹ. Trong quá trình nhân phân chia, phát triển phân thành hai thai khác nhau, trong đó một thai lẩn vào phát triển trong bụng thai kia. Vì mọi điều kiện trong bụng bào thai kia không đủ, thai nhi bị teo đi và chết. 
Theo bác sỹ Hiếu Liên, nếu thai nhi vượt qua được giai đoạn khó khăn, nó sẽ được sinh ra bình thường, với cơ hội sống sót cao hơn nhiều so với những trường hợp song sinh dính liền. Khi chào đời, việc phát hiện và loại bỏ bào thai kí sinh bên trong cơ thể những đứa trẻ thai trong thai cũng dễ dàng và ít nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc bóc tách những cặp song sinh dính liền. 
Bác sỹ Liên cho biết, thường thì thai trong thai rất khó phát hiện. Vì thế đa số các trường hợp được phát hiện khi đứa bé kia đã được sinh ra, lớn lên. Đặc biệt, khi đứa bé xuất hiện các triệu trứng như bụng to dần lên, khó thở, sốt cao… (như trường hợp của bé Ngh) thì bào thai ký sinh trong đó mới… lộ diện. 
Hiện, các chuyên gia y tế cho biết, các nhà khoa học, y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng thai trong thai. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, việc tiêm phòng nhằm hạn chế mắc các căn bệnh truyền nhiễm cũng được đưa ra nhằm bảo vệ sự phát triển của thai nhi.