Nhiều chế tài xử lý người bỏ cọc khi tham gia đấu giá biển số xe ô tô

(PLVN) -Tại cuộc họp báo Quý III/2023 của Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc xử lý các trường hợp bỏ cọc khi tham gia đấu giá biển xe ô tô.

Theo bà Đặng Kim Hoa, bản chất hoạt động đấu giá là tối đa giá trị tài sản, về nguyên tắc nếu tài sản được trả giá càng cao thì càng được coi là đấu giá thành công. Về việc đấu giá biển số xe ô tô, Quốc hội đã có Nghị quyết 73 về thí điểm đấu giá biển xe ô tô, trong đó đã quy định tiền đặt trước khi tham gia đấu giá bằng giá khởi điểm là 40 triệu đồng, mức tiền đặt trước cũng tương đối cao để hạn chế bỏ cọc.

Phó Cục trưởng Cục bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa

Phó Cục trưởng Cục bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa

Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật đấu giá tài sản có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá như như không được nhận lại tiền đặt trước; truất quyền nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ; bị xử phạt vi phạm hành chính…

Nghị quyết 73 của Quốc hội cũng quy định số tiền đặt trước sẽ không được hoàn trả lại nếu không nộp đủ tiền đấu giá, số tiền đặt trước này sẽ nộp vào ngân sách, còn biển số xe đã trúng đấu giá đó sẽ tiếp tục được đưa ra đấu giá.

Bà Kim Hoa cũng thông tin thêm hiện Luật đấu giá tài sản đang trong quá trình sửa đổi, trong đó quy định nhiều nội dung để tăng cường vai trò trách nhiệm của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trước đó ngày 15/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô tô phiên đấu giá thứ nhất. Tổng số tiền được khách hàng trả giá 82,325 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 6 biển số ô tô bị người trúng đấu giá bỏ cọc. Theo quy định các biển này tiếp tục được đưa ra đấu giá lại bao gồm các biển: 51K-888.88 (TP.Hồ Chí Minh); 30K-555.55 (Hà Nội); 30K-567.89 (Hà Nội); 36A-999.99 (Thanh Hóa); 98A-666.66 (Bắc Giang); 47A-599.99 (Đắk Lắk).

Đọc thêm