Nhiều chính sách mới thực thi từ 1/7

Trong số 8 luật có hiệu lực thi hành từ 1/7, có nhiều chính sách mới sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó, có Luật tố tụng hành chính, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.

Trong số 8 luật có hiệu lực thi hành từ 1/7, có nhiều chính sách mới sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó, có Luật tố tụng hành chính, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.

Điểm mới đáng lưu ý nhất trong Luật Tố tụng hành chính mới là về quyền khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án (mà không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án như quy định của Pháp lệnh trước kia).

8 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/72011, gồm: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự.

Trường hợp cá nhân, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Đây là điểm mới cơ bản nhằm mở rộng quyền lựa chọn phương thức giải quyết khiếu kiện hành chính của các cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Chính sách mới với phạm nhân

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự với 182 Điều. Ngoài thay đổi hình thức tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc, Luật còn quy định rất rõ chế độ khen thưởng đối với phạm nhân, cụ thể trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức: Biểu dương; Thưởng tiền hoặc hiện vật; Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.

Tương tự là quy định về các hình thức kỷ luật. Bên cạnh khiển trách, cảnh cáo thì phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

Chưa thể tử hình bằng tiêm thuốc độc

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, từ 1/7 áp dụng  tử hình bằng hình thức  tiêm thuốc độc (thay cho xử bắn như hiện nay). Quy trình thực hiện tiêm thuốc độc được Quốc hội giao cho Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công an, Bộ này đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn về vấn đề này. Dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7. 

Ngoài ra, để áp dụng hình thức tiêm thuốc độc mới, ngành công an cần thời gian để chuẩn bị nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị khác đảm bảo triển khai công việc nói trên có hiệu quả.

Do đó, từ 1/7, chưa thể tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người già yếu.

“Quản” chặt thức ăn đường phố

Cũng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Luật gồm 11 Chương và 72 Điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm ATTP.

Theo đó, Luật có nhiều điểm mới như quy định các nguyên tắc quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh; quản lý ATTP theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng.

Đặc biệt, Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen…

Riêng đối với loại hình thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy Luật đã đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Theo đó, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ…

Tương tự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là Luật quy định về các hành vi bị cấm trong  bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

Huy Hoàng

Đọc thêm