Những quyết sách đúng đắn hợp lòng dân
Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành một số chính sách đảm bảo đời sống vùng DTTS. Trong đó năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng của Thủ tướng Chính phủ cho 1.235 lao động, trong đó có 644 lao động là DTTS. Các địa phương cũng tập trung giải quyết việc làm thông qua triển khai hỗ trợ cho 2.399 lượt lao động là người DTTS vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hỗ trợ 375 lao động được học nghề nông nghiệp, 860 lao động học nghề phi nông nghiệp.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thuộc nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay toàn tỉnh đã giải ngân cho vay được khoảng 142.095 triệu đồng cho 1.578 hộ phát triển sản xuất.
Tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra, để khắc phục hậu quả, các địa phương đã triển khai hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND ngày 23/9/2024 của HĐND. Theo đó, tổng số hộ được phê duyệt hỗ trợ toàn tỉnh 410 hộ, trong đó vùng đồng bào DTTS&MN là 144 hộ. Đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 29 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS&MN với tổng kinh phí là 4,855 tỷ đồng.
Quảng Ninh đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với các đối tượng bảo trợ xã hội vùng DTTS. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người DTTS đang sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe, chăm lo giáo dục, đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con vùng DTTS cũng được tỉnh tập trung.
Theo đó, các địa phương tích cực rà soát, cung cấp kịp thời thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, đạt 99,8%. Tính đến 15/6/2024 đã cấp thẻ BHYT cho 72.867 người thuộc đối tượng này với số tiền trên 38 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh hiện đạt 95,3%. Các xã miền núi, biên giới, hải đảo đã triển khai sổ khám, chữa bệnh điện tử.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS&MN. Tỉnh đã phê duyệt Đề án Dân số và Phát triển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án Nâng cao chỉ số phát triển con người tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo…
Qua đó, hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám, chữa bệnh và hệ thống cấp cứu tiếp tục được củng cố, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân, nhất là đối với địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo.
Cùng với đó, Quảng Ninh còn chú trọng tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Ngành Y tế tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cùng với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, để nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng công tác giáo dục ở vùng này. Năm 2023, tỉnh đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng; trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS&MN với tổng kinh phí 48,646 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao; lộ trình đến năm 2025 dự kiến có 22 trường. Tỉnh đã khánh thành, đưa 3 trường vào sử dụng, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS&MN.
![]() |
Lễ hội Trà Đường Hoa mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ. |
Trái ngọt đầu mùa
Nhờ tập trung đảm bảo chính sách an sinh xã hội vùng DTTS, đời sống của người dân vùng này càng được nâng cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, đầu năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, 3.063 hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 171 hộ, cận nghèo là 1.638 hộ; đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 08 hộ nghèo và 1.237 hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn tích cực triển khai xoá nhà tạm, dột nát theo Kế hoạch, chương trình của tỉnh năm 2024. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 88 hộ cần hỗ trợ xóa nhà ở tạm, nhà dột nát; trong đó vùng đồng bào DTTS&MN là 36 hộ. Đến hết tháng 11/2024, đã thực hiện hỗ trợ 22 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS&MN với tổng kinh phí là 0,977 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ gia đình DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các xã khu vực miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai sổ khám, chữa bệnh điện tử. 100% cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mới và dạy học tăng cường tiếng Việt. Chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được duy trì, tổ chức tốt và nâng cao…
Đến nay, 100% đơn vị xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 165 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã mở 324 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 10.057 học viên tham gia, trong đó 3.053 người là người DTTS.
Nhờ các giải đúng đắn, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được nâng lên; góp phần giúp tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người Quảng Ninh nói chung, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2024, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng DTTS, miền núi, góp sức cùng Nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tin tưởng, tỉnh Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.