Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương

(PLVN) - Trong hơn 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệmvụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, công tác pháp chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã có những bước chuyển biến tích cực.
Hội nghị tập huấn công tác pháp chế của ngành Giáo dục.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với công tác tư pháp nói chung và công tác pháp chế nói riêng. Trong các Phiên họp thường kỳ và Phiên họp chuyên đề của Chính phủ, ngoài việc chỉ đạo thực hiện theo quy định của Nghị định 55, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ phân công một lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật và kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác xây dựng thể chế, pháp luật; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, bố trí đủ kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác pháp chế, nhất là trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Xác định tầm quan trọng của công tác pháp chế, ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp (DN) nhà nước đã phân công 1 lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác pháp chế (5 bộ do Bộ trưởng phụ trách trực tiếp; 2 cơ quan thuộc Chính phủ do Tổng Giám đốc phụ trách trực tiếp và 24 địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách công tác pháp chế).

Ngay sau khi Nghị định 55 được ban hành, trên cơ sở Kế hoạch của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, địa phương đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện.

Tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, UBND cấp tỉnh đã ban hành Đề án thành lập tổ chức pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 55; ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2015-2020, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực đội ngũ pháp chế nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 55.

Tại các DN nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty đã quan tâm và chỉ đạo việc thành lập, bố trí, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế; đồng thời, chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế, trong đó, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế; tạo điều kiện để tổ chức pháp chế tham gia vào các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của DN như: ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác pháp chế theo Nghị định 55 (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tập đoàn “Xây dựng, tổ chức hoạt động của bộ phận pháp chế trong Tập đoàn” (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) để ban hành Quyết định thành lập bộ phận pháp chế độc lập, tách khỏi Văn phòng của Tập đoàn. Theo đó, nhiều tổ chức pháp chế được tách độc lập ở các Tập đoàn, Tổng công ty và các công ty thành viên.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định 55, sau khi Nghị định 55 được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ, công chức chuyên môn nhằm quán triệt nội dung cơ bản của pháp luật về công tác pháp chế. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực tổ chức nghiên cứu về nội dung của Nghị định nhằm xác định những yêu cầu mới trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định 55 để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác pháp chế. Thông qua Cổng thông tin điện tử, các bộ, cơ quan đã đăng tải toàn bộ nội dung Nghị định 55 để cán bộ, công chức dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về nội dung Nghị định.

Ở địa phương, để quán triệt và phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định 55, UBND các tỉnh đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 55 đến các cán bộ, công chức và lãnh đạo các đơn vị để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội nghị tập huấn về nghiệp vụ…

Nhiều nơi đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 55 trong các buổi họp giao ban, thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” của cơ quan, đơn vị… Ở các DN nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định 55 được thực hiện thông qua việc lồng ghép với Hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cơ quan, các cuộc họp giao ban tại DN, lồng ghép với việc thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ (Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Xi măng Việt Nam…).

Kết quả triển khai thực hiện công tác pháp chế thời gian qua cho thấy, vai trò chỉ đạo tổ chức pháp chế của lãnh đạo các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, DN nhà nước ngày càng được chú trọng, cơ chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác pháp chế có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở bộ, ngành, địa phương.

Ý kiến:

* Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thanh Liêm: Có hướng mở đối với mô hình của Tổ chức pháp chế cho các bộ

Vụ trưởng Lê Thanh Liêm

Ngoài các nhiệm vụ được giao theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP, Pháp chế ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) còn được phân công nhiều các nhiệm vụ cụ thể khác như giám định tư pháp, quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, cũng như tham mưu xử lý các vấn đề pháp lý của Bộ... và về cơ bản chúng tôi đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để tổ chức Pháp chế bộ, ngành, địa phương ngày càng phát huy được vai trò, vị trí, đặc biệt bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với 1 trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế gắn với thực thi pháp luật, chúng tôi đề xuất sửa đổi Nghị định 55 theo theo hướng mở đối với mô hình của Tổ chức pháp chế cho các bộ căn cứ vào điều kiện thực tế để trình Chính phủ quyết định vì thực tế đã có Bộ thành lập Cục Pháp chế; quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với công chức, lãnh đạo Tổ chức pháp chế bảo đảm phù hợp với tính chất công việc.

Ngoài ra, quy định rõ và có tính khả thi một số chính sách đặt thù cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế như phụ cấp, điều kiện làm việc, ưu đãi nghề nhằm thu hút người có trình độ, kinh nghiệm.

* Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà: Bảo đảm biên chế riêng cho người làm công tác pháp chế

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà.

Ngay sau khi Nghị định 55 được ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập Phòng Pháp chế tại 08 Sở; các cơ quan còn lại đều bố trí công chức pháp chế kiêm nhiệm. Đến nay, do yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức, các cơ quan đều bố trí công chức làm công tác pháp chế bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện, kinh nghiệm, năng lực công tác đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Sắp tới, chúng tôi đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 trước hết cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy; trong đó bố trí cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo hướng chuyên môn hóa nghiệp vụ; có vị trí chức danh riêng và bảo đảm biên chế riêng cho người làm công tác pháp chế.

Thứ hai, cần quy định rõ công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên, trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật thì phải có trình độ cử nhân chuyên ngành và có thời gian ít nhất ba năm làm công tác pháp luật để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, cần quy định rõ mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ pháp chế giữa các cơ quan chuyên môn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ pháp chế trên địa bàn.

* Trưởng Ban Pháp chế (Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam - TKV) Đặng Thị Tuyết: Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ pháp chế tại DN theo chuyên đề

Trưởng Ban Pháp chế TKV Đặng Thị Tuyết.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, TKV đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp tăng cường làm cầu nối giữa DN với các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan ban hành văn bản pháp luật thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm mục đích giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật; tạo cơ hội để trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động công tác pháp chế tạo sự gắn kết, gắn bó, hiểu biết giữa bộ phận pháp chế trong các DN. Đồng thời, tăng cường tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại DN theo chuyên đề, lĩnh vực để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ pháp lý cho DN, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh về mặt pháp lý cho DN, giúp DN có cơ sở triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thường xuyên tổ chức khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để khuyến khích, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác pháp chế DN…

Đọc thêm