Nhiều dấu ấn tích cực trong các lĩnh vực xã hội

(PLVN) -Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ rõ, toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, có thể khẳng định nhiều dấu ấn tích cực trong các lĩnh vực xã hội.
Năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. (Ảnh: D.L).
Năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. (Ảnh: D.L).

Chú trọng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc

Ngành Văn hóa đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Đảng, Nhà nước giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm “Dân tộc, Khoa học và Đại chúng” được lan tỏa, các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá trình thực hiện, được nhiều tỉnh, thành làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, Nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.

Ngành cũng quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất đã thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới) diễn ra ngày 22/11/2023 tại Paris, Pháp, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với 121/171 phiếu hợp lệ. Trước đó, năm 2013, được sự tín nhiệm của các nước thành viên, Việt Nam lần đầu tiên tham gia với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017 và đã có những đóng góp tích cực.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam.

Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Trong năm 2023, hoạt động chăm sóc người có công tiếp tục triển khai hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Công tác chi trả chính sách trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích đã được triển khai tại 54 tỉnh, thành phố.

Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được bảo đảm; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.

Tổng kinh phí được sử dụng trong năm 2023 gần 107,766 tỷ đồng, trong đó: kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 28,016 tỷ đồng; kinh phí được phân bổ năm 2023 là 87,5 tỷ đồng. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.

Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả...

Lĩnh vực lao động, việc làm có nhiều chuyển biến

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định. Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.

Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so kế hoạch năm, tăng 8,55% so năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Quyết liệt hành động để tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu

Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, cụ thể như ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; xây dựng khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi; cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng, trong đó có quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra bốn nhóm mục tiêu cơ bản như tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Điểm nổi bật nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đã khẳng định rất rõ giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.

Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đọc thêm