Nhiều địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ

(PLO) - Sau nhiều ngày mưa lớn liên tục trên diện rộng, nhiều địa phương đã chịu thiệt hại nặng về người và tài sản. Với phương châm ứng cứu tại chỗ, ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục.
Nhiều tuyến đường của huyện miền núi Thanh Hóa bị sạt lở nghiêm trọng sau những trận mưa lớn từ ngày 13/8.
Nhiều tuyến đường của huyện miền núi Thanh Hóa bị sạt lở nghiêm trọng sau những trận mưa lớn từ ngày 13/8.

Theo Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 16h ngày 14/8, do ảnh hưởng của mưa lũ đã có 6 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Thanh Hóa bị thiệt hại về người và tài sản.

Cụ thể, có 7 người chết, trong đó có 3 người chết do sạt lở đất (Bắc Kạn 2 người, Thanh Hóa 1 người), 3 người chết do lũ cuốn trôi (Điện Biên 2 người, Lào Cai 1 người), 1 người chết do sét đánh tại Hà Tĩnh, 1 người mất tích do lũ cuốn trôi tại Lào Cai, 4 người bị thương (Yên Bái 3 người, Lào Cai 1 người); 512ha lúa và 10 ha hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; 1.300m3 đất đá tại một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn ở các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La và Thanh Hóa bị sạt lở, ách tắc. Hàng trăm ngôi nhà bị sập và hư hại, trong đó Sơn La và Thanh Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Riêng Sơn La có 51 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và ngập úng; gần 230ha lúa bị ngập. Sau nỗ lực khắc phục, đến sáng 15/8, tuyến tỉnh lộ 102 từ Vân Hồ đi Chiềng Sơn cũng đã thông tuyến. 

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các ban ngành Trung ương đã đến tỉnh Lào Cai kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi, tặng quà. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức 2 đoàn đến tỉnh Lào Cai thăm hỏi, động viên gia đình có người mất và cứu trợ các gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ sau bão số 2 vừa qua (ước tính khoảng 700 triệu đồng). 

Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã gây ra 3 điểm sạt lở đất, khiến 5 người bị thương; 28 nhà dân bị sập; hàng chục héc-ta lúa, 70ha hoa màu bị ngập và gãy đổ, nhiều tuyến đường bị sạt lở đất đá… Ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Sau khi nhận được tin báo của các địa phương, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện phối hợp với các lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại và có người bị thương chống, dựng lại nhà cửa và sơ tán những hộ trong vùng cảnh báo nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tuyến Quốc lộ 6 đoạn Km133+300 xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu đã bị sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá khiến giao thông bị tắc trong nhiều giờ. Xã Nà Mèo (huyện Mai Châu) có hơn 30 điểm sạt lở, hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu bị ngập nước. Tại TP Hòa Bình, có 65 nhà dân và 1 nhà máy bị ngập, sạt lở 20m mặt đường xóm, 20m bờ kè. Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả. 

 Tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), như PLVN đã đưa tin, do mưa lớn kéo dài nhiều giờ đã khiến khu vực miền Tây tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở nghiêm trọng, 1 cháu bé bị nước lũ cuốn tử vong, tuyến quốc lộ 15C nối từ TP Thanh Hóa lên huyện Mường Lát đã bị sạt lở, bị cô lập với các huyện khác trong tỉnh. 

Theo dự báo, mưa lớn sẽ còn kéo dài đến hết ngày hôm nay (16/8), nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Bắc vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo, ngày 16-19/8, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa lớn trên diện rộng. Trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2 đến 3m; thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 4-6m, ở hạ lưu từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn, sạt lở đất

Đây là yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trong công điện gửi các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hoá, Nghệ An cùng các bộ ngành liên quan.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Đồng thời tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền, thôn, bản và người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động các biện pháp phòng tránh; kiểm tra, rà soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, các hầm lò khai thác khoáng sản.

Chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

T.Ngọc

Đọc thêm