Bình Thuận: Khắc phục hậu quả bão lụt lại bị buộc tội “phá rừng”?

(PLO) - Quá trình chỉ đạo thu gom cây gãy đổ do bão có phát hiện số cây đổ nhiều hơn con số ban đầu, chỉ vì sơ suất không làm thủ tục báo cáo bổ sung mà ông Nguyễn Quang Dũng - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết đã bị khép vào tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, dù bản thân ông thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hoàn toàn không trục lợi cá nhân và không gây ra hậu quả thiệt hại.
Khi khắc phục hậu quả cơn bão, ông Dũng chỉ thu gom những cây gãy đổ, không phá rừng, không có động cơ vụ lợi
Khi khắc phục hậu quả cơn bão, ông Dũng chỉ thu gom những cây gãy đổ, không phá rừng, không có động cơ vụ lợi

Không có động cơ vụ lợi 

Trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Quang Dũng (SN 1962) trình bày: Ngày 1/4/2012, cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) làm gãy đổ một số cây keo lá tràm ở khu rừng tiểu khu 245A và 245B do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phan Thiết quản lý. Ông Trần Minh Đức (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Tiến Thành) phát hiện có 29 cây gãy đổ nên báo cho ông Nguyễn Văn Chỉ là Trưởng phòng Kỹ thuật, sau đó ông Chỉ đã báo cho ông Dũng là Trưởng BQLRPH Phan Thiết biết.

Ngày 3/4/2012, ông Dũng ký Công văn số 63 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình và đề nghị Sở cho phép đơn vị thu gom, vận chuyển 29 cây gãy đổ trên chờ xử lý. Ngày 9/4/2012, Sở NN&PTNT Bình Thuận có Công văn 599 thống nhất kiến nghị của BQLRPH Phan Thiết, giao BQL kiểm tra thực tế và lập biên bản hiện trường, lên lý lịch cây gãy đổ, thu gom vận chuyển về nơi tập trung và lập thủ tục xuất bán nộp ngân sách theo quy định. 

Thực hiện Công văn 599, khi tiến hành kiểm tra thực tế, ông Đức đã phát hiện số cây gãy đổ thực tế là 105 cây, đến ngày 12/4 phát hiện thêm có 41 cây nữa, nâng tổng số lên 146 cây. Mặc dù biết số cây gãy đổ nhiều hơn so với báo cáo ban đầu nhưng vì tính cấp thiết của tình hình khắc phục hậu quả bão và vì chủ quan, ông Dũng không làm thủ tục báo cáo Sở NN&PTNT để xin chủ trương xử lý theo quy định mà vẫn tiến hành khai thác theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”.

Ngày 6/9/2012 Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận tổ chức kiểm tra thực địa đã  phát hiện số cây thực tế khai thác nhiều hơn so với báo cáo nên đã có thông báo gửi BQLRPH Phan Thiết. Thực hiện thông báo trên, ngày 24/12/2012, BQLRPH Phan Thiết có Tờ trình số 326 xin cấp phép thu gom số cây ngã đổ do bão số 1 theo khối lượng thực tế đã khai thác là 66,162m3 gỗ và 38,82 ster củi.

Ngày 28/12/2012 Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1743 phê duyệt và cấp phép thu gom số gây gãy đổ theo số liệu trên. Như vậy, có thể hiểu những thiếu sót về thủ tục giấy tờ đã được BQLRPH Phan Thiết bổ sung và được cơ quan chủ quản là Sở NN&PTNT Bình Thuận chấp thuận.

Đột ngột ngày 14/7/2014, Công an TP Phan Thiết đã khởi tố ông Nguyễn Quang Dũng (Trưởng BQLRPH Phan Thiết), Nguyễn Văn Chỉ (Trưởng phòng Kỹ thuật) và Huỳnh Văn Năm (Kiểm lâm viên) về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Mặc dù ông Dũng liên tục kêu oan nhưng tại phiên tòa sơ thẩm sau đó, TAND TP Phan Thiết tuyên cả 3 người mức án tù về tội danh trên, bản án sau đó bị cấp phúc thẩm tuyên hủy do có vi phạm về tố tụng.

Sau khi điều tra lại vụ án, ngày 2/11/2015 VKSND TP Phan Thiết đã ra Cáo trạng mới truy tố các bị cáo với nội dung và tội danh như cũ. Ông Dũng tiếp tục kêu oan và khẳng định mình không có tội, TAND TP Phan Thiết đã lên lịch xét xử vụ án nhưng do thấy không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo nên đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên kết luận điều tra bổ sung vẫn giữ nguyên quan điểm khởi tố.

Không thể suy đoán... có tội!

Trình bày với Báo PLVN, ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định hành vi của mình chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bản thân ông thi hành công vụ khách quan, công tâm, tuy có chủ quan, duy ý chí nhưng không vụ lợi và chưa gây ra thiệt hại. Điều tréo ngoe là, mặc dù không đủ chứng cứ kết tội nhưng CQĐT vẫn cố tình khép tội dựa trên nguyên tắc suy đoán… có tội!

Ông Dũng trình bày: “CQĐT khép tôi vào tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là do tôi chỉ đạo khai thác lâm sản trái phép tại khu vực rừng sản xuất (rừng được trồng bằng tiền ngân sách nhà nước). Điều này hoàn toàn thiếu căn cứ, vì thực tế tôi thi hành công vụ thu gom cây gãy đổ do bão chứ không phá rừng, tôi chỉ có sơ suất là không báo cáo bổ sung, chứ hoàn toàn không khai thác lâm sản trái phép, không trục lợi. Chưa kể, khu vực thu gom đã có quyết định đưa ra ngoài 3 loại rừng, không còn là rừng sản xuất nữa nên không phải là khách thể bị xâm hại của tội này!”. 

Về vụ việc này, ngày 28/1/2016, Bộ NN&PTNT có Công văn số 787 trả lời đơn của ông Dũng nêu rõ: “Nếu BQLRPH Phan Thiết đã báo cáo số cây đổ do bão để Sở cho thu gom và chỉ thu gom những cây gãy, đổ do bão gây ra nhằm thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tận thu lâm sản cho Nhà nước, không nhằm mục đích lấy lâm sản tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp; có sai sót về thủ tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa cấu thành hành vi “khai thác rừng trái phép”.

Trường hợp BQLRPH Phan Thiết và các cá nhân, tổ chức liên quan lợi dụng việc bão làm đổ, gãy cây và văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bình Thuận để khai thác cả những cây không bị đổ, gãy do bão, lấy gỗ sử dụng không đúng chủ trương của tỉnh thì có thể coi là hành vi “khai thác rừng trái phép”.   

Bản thân Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận bằng Công văn số 200 ngày 26/1/2016 trả lời yêu cầu cung cấp thông tin vụ án của TAND TP Phan Thiết cũng nêu rõ: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 245A và 245B tại xã Tiến Thành đã được đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích sang xây dựng khu dân cư tại xã Tiến Thành và phát triển du lịch. 

Ông Dũng bức xúc: “Các văn bản của Sở và Bộ NN&PTNT là cơ quan quản lý trực tiếp và Bộ chủ quản đã làm sáng tỏ bản chất sự việc, thể hiện hành vi của tôi không vi phạm các quy định về khai thác rừng, thế nhưng CQĐT vẫn cố tình buộc tội chúng tôi. Mặc dù CQĐT không có thẩm quyền xác lập các loại rừng nhưng họ đã tự trao cho mình quyền này để bảo vệ quan điểm khởi tố của mình và khép tội oan công dân. Kết luận điều tra viện dẫn rất gượng ép, thiếu cơ sở pháp lý khi cho rằng mặc dù tiểu khu 245A và 245B đã được UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng nhưng chưa có quyết định thu hồi rừng, chưa có quyết định chuyển mục đích rừng thì vẫn là rừng sản xuất(!) Họ cố tình xác định đây vẫn là sản xuất để khép tội chúng tôi, dù thực tế tỉnh đã quy hoạch và có quyết định đưa diện tích này ra ngoài 3 loại rừng…”.   

Bản chất sự việc thể hiện rất rõ ràng. Việc ông Dũng tổ chức thu gom cây gãy đổ do bão là thực hiện Công văn số 599 của Sở NN&PTNT tỉnh Phan Thiết, được thực hiện công khai, minh bạch và hoàn toàn không có động cơ vụ lợi, không gây ra hậu quả thiệt hại. Quá trình thực hiện có sai sót về thủ tục, nhưng như văn bản của Bộ NN&PTNT đã nhận định “chưa cấu thành hành vi khai thác rừng trái phép”. Vậy nên, việc CQĐT, VKSND TP Phan Thiết buộc tội ông Dũng “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là không đúng bản chất sự việc, khiên cưỡng, buộc tội công dân thiếu căn cứ. 

Đề nghị TAND TP Phan Thiết trong phiên tòa sơ thẩm tới đây xem xét vụ án một cách toàn diện, minh bạch, khách quan, không vì nể nang, né tránh trách nhiệm mà áp dụng sai pháp luật, làm oan người vô tội.