6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã tiếp nhận hơn 53.346 vụ việc hòa giải, tỉ lệ hòa giải thành đạt 79%. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo như tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho Hòa giải viên; ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải ở cơ sở; duy trì nền nếp, mỗi tháng từng tổ hòa giải họp một lần và định kỳ 3 tháng, cán bộ theo dõi công tác hòa giải của xã họp giao ban cùng các tổ hòa giải trong xã để trao đổi nghiệp vụ và nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mới ban hành; tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên theo hướng “cầm tay chỉ việc”…
Cụ thể, tại Bắc Giang, hiện nay toàn tỉnh có 2.133 tổ hòa giải với 14.296 hòa giải viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các chi hội (Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hội phụ nữ…). Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 29/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; Ký kết chương trình phối hợp về hòa giải ở cơ sở giữa Sở Tư pháp với Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận, Tòa án, Hội Liên hiệp Phụ nữ, xây dựng mô hình điểm về hòa giải ở cơ sở.
Tại Quảng Ninh, từ năm 2019 đến tháng 6/2023, Sở Tư pháp đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn cho 1.368 hòa giải viên ở cơ sở. Các địa phương cũng chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và hòa giải viên. Đến nay, gần 82% hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn nghiệp vụ, một số địa phương đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng cho 100% hòa giải viên ở cơ sơ như Hải Hà, Uông Bí, Cô Tô, Bình Liêu, Vân Đồn.
Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh có 1.469 tổ hòa giải/1.452 thôn, bản, khu phố với 9.138 hòa giải viên, trong đó có 3.538 hòa giải viên nữ; 1.835 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Để phù hợp với tình hình thực tế, một số thôn, bản, khu phố (Ba Chẽ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí) thành lập 2 tổ hòa giải cùng hoạt động.
Có thể nói, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương trên cả nước không ngừng đẩy mạnh đã và đang từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, những mâu thuẫn, tranh chấp lúc đầu đơn giản, nhưng do chưa được quan tâm giải quyết kịp thời nên đã trở thành những mâu thuẫn căng thẳng, phức tạp, thậm chí là nguyên nhân và điều kiện để phát sinh các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản... hay là nguyên nhân phát sinh những “điểm nóng” về khiếu kiện.
Tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, hiện có gần 50 tổ hòa giải, với trên 300 hòa giải viên ở cơ sở. Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Phòng Tư pháp thành phố đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tăng cường thực hiện tốt nhiệm vụ công tác này. Do đó, trong những năm qua, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm trên địa bàn thành phố đều đạt trên 80%, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở được bảo đảm. Để đạt được tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở cao, thành phố đã chú trọng kiện toàn các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở, bảo đảm đủ số lượng, thành phần; chú trọng bổ sung những người có uy tín ở địa phương, những người am hiểu pháp luật, có khả năng phân tích, giải thích pháp luật tham gia vào công tác hòa giải. Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng các mô hình hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer,…
Thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố phát huy hơn nữa hiệu quả, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hòa giải, cũng như bố trí kinh phí kịp thời,… qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải.