Nhiều góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 31/5/2024 và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10. Nhiều ý kiến về dự thảo này đã được các chuyên gia trong ngành đưa ra.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có nhiều nội dung mới. (Ảnh minh họa: EVN).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có nhiều nội dung mới. (Ảnh minh họa: EVN).

Nhiều nội dung bổ sung mới

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật hiện hành, trong đó, về chính sách giá điện và cam kết tiến độ dự án điện có nhiều nội dung mới đáng chú ý. Ví dụ, về chính sách giá điện, dự thảo nêu rõ “giá điện cần bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực”, đồng thời “Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực”.

Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung “giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội”. Đồng thời quy định về việc Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội để có cơ sở thực hiện sau này.

Dự thảo đưa ra 6 căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, bao gồm Chính sách giá điện; Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; Quan hệ cung - cầu về điện; Các chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực; Cấp độ phát triển của thị trường điện lực và Báo cáo tài chính, số liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực.

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi vấn đề về giá bán điện riêng cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Ngoài ra, nội dung về tiến độ các dự án điện cũng đã được đưa vào dự thảo. Theo đó, dự thảo quy định: Cam kết tiến độ của nhà đầu tư dự án nguồn điện phải được thể hiện trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án. Trường hợp các nhà đầu tư được lựa chọn không thông qua đấu thầu thì cam kết tiến độ của nhà đầu tư được thể hiện trong hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư.

Cam kết tiến độ của nhà đầu tư các dự án nguồn điện bao gồm tối thiểu các mốc tiến độ như thời điểm phê duyệt dự án đầu tư; Thời điểm khởi công dự án nguồn điện; Thời điểm đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng… Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày UBND cấp tỉnh có văn bản thông báo lần thứ nhất về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, UBND cấp tỉnh có văn bản thông báo ý định chấm dứt hoạt động dự án để xem xét giao nhà đầu tư khác thực hiện.

Đề xuất sửa đổi nhiều điều khoản

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến công khai, dự kiến kết thúc nhận ý kiến vào ngày 31/5/2024. Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Luật này sẽ được đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến lần 1 vào kỳ họp tháng 10 năm 2024 và dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2025.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo này, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, quy định cụ thể về cam kết và xử lý tiến độ dự án được xây dựng quy định mang tính quản lý hành chính mà chưa đưa ra được các nguyên tắc hướng dẫn xử lý rõ ràng về nguyên nhân - hệ quả của việc chậm tiến độ dự án. Ngoài ra, việc đánh giá, đề xuất thay thế dự án chậm tiến độ được giao cho UBND các tỉnh chưa bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ, khách quan trong việc xử lý (do sẽ phát sinh trường hợp dự án điện lớn được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện hoặc làm chủ đầu tư đã được Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương theo dõi, quản lý).

Về các cơ chế, chính sách giá điện, các chuyên gia cho rằng, đây chính là mấu chốt của việc đầu tư các dự án nguồn điện, do đó cần phải có chính sách cụ thể, quy định cho từng loại hình đầu tư. Đặc biệt cần phân biệt rõ đầu tư phát triển nguồn với đầu tư cho phát triển các vùng khó khăn, để từ đó, tránh trường hợp đưa các nguồn vốn không hiệu quả vào chính sách giá điện, khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.

Ngoài ra, chuyên gia năng lượng - TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của hệ thống phân phối điện phải bảo đảm cấp điện liên tục cho khách hàng, trong trường hợp sự cố phải nhanh chóng khắc phục. Trên cơ sở thống kê của ngành điện gần đây, nên quy định số lần tối đa khách hàng bị cắt điện và thời gian tối đa của mỗi lần mất điện.

Đọc thêm