Quốc hội thông qua Luật Điện lực và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Sáng 10-11, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật Điện lực và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Mở đầu phiên họp, ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực của UBTVQH, chung quanh các quy định của dự án Luật: Về những quy định chung; Về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; Về tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện; Về thị trường điện lực; Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; Về bảo vệ thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện; Về điện phục vụ nông thôn, miền núi và hải đảo; Vấn đề quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện; Về việc giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh...

Về vấn đề quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, Báo cáo giải trình nêu rõ: 'Ngành điện lực là một trong những ngành phục vụ của nền kinh tế quốc dân. Việc xây dựng quy hoạch phát triển điện lực phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch ngành. Hiện nay, quy hoạch ngành thông thường được lập cho từng giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được lập cho từng giai đoạn 10 năm có tầm nhìn đến 20 năm. Vì vậy, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo là phù hợp'.

Sau Báo cáo giải trình của UBTVQH, các đại biểu quốc hội đã biểu quyết thông qua chín vấn đề được nêu ra trong Báo cáo và cuối cùng là biểu quyết thông qua toàn văn của Luật Điện lực, gồm 10 Chương, với 70 Điều, với đa số phiếu tán thành...

Sau Luật Điện lực, ông Hồ Đức Việt đã đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) chung quanh các quy định đã nêu trong dự thảo: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Về nguyên tắc bảo vệ và phát triển rừng; Về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Về vấn đề giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; Về trách nhiệm bảo vệ rừng; Về nghĩa vụ của chủ rừng; Về kiểm lâm; Về chủ rừng; Về nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; Về nguồn tài chính để bảo vệ và phát triển rừng; Về các hành vi bị nghiêm cấm; Về phòng cháy, chữa cháy rừng; Về tổ chức quản lý rừng phòng hộ; Về khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất; Về quản lý, sử dụng rừng sản xuất và đất đai xen kẽ trong khu rừng phòng hộ; Về tổ chức quản lý rừng đặc dụng; Về ổn định đời sống dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng và vùng đệm; Về rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Về rừng sản xuất là rừng trồng; Về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất...

Có khá nhiều quy định được UBTVQH đề nghị giữ nguyên như dự thảo do những quy định đã chặt chẽ, hoặc sẽ có những quy định của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi của Luật...

Sau phần báo cáo giải trình của UBTVQH, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Điều 1, 2, 13, 25, 38, 56, 79, 81, 82, 83... và cuối cùng là biểu quyết thông qua toàn văn của dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) gồm tám Chương với 88 Điều, với đa số phiếu tán thành.

Đọc thêm