Nội dung PBGDPL ngày càng đáp ứng nhu cầu xã hội
Tính đến ngày 01/10/2019, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 34/36 Bộ, ngành; 58/63 địa phương; 8/10 báo cáo chuyên đề về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Trên cơ sở báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương, việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo kết luận số 74-TB/TW, Kết luận số 04-KL/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các Chương trình, Đề án về PBGDPL trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.
Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật PBGDPL năm 2012 và 01 Nghị quyết, 02 nghị định. Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW và đặc biệt giai đoạn Luật PBGDPL có hiệu lực đến nay, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên các đối tượng đặc thù của công tác PBGDPL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định với 34 Đề án. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương được kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động trong tổ chức thực hiện PBGDPL.
Đặc biệt, trong những năm qua, nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một cách thực chất hơn nhu cầu thực tiễn của xã hội và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL và đòi hỏi phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, 2017 đã thu hút 269.611 học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đăng ký tham gia; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; PBGDPL thông qua câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; PBGDPL thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường; đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù… và một số hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả cũng được áp dụng cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được từng bước cải thiện, góp phần triển khai công tác PBGDPL đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả trên toàn quốc. Các điều kiện bảo đảm triển khai công tác PBGDPL và công tác xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm, chú trọng.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là trách nhiệm được giao trong các văn bản liên quan đến triển khai nhiệm vụ PBGDPL; Tiếp tục có giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm
Đổi mới tổ chức bộ máy cán bộ, củng cố, kiện toàn đội ngũ người làm công tác PBGDPL gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; Thực hiện tốt công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp về ngân sách, tài chính phục vụ công tác PBGDPL theo hướng coi công tác PBGDPL là những hoạt động đặc thù mang tính mục tiêu trong đó chú trọng đến các địa phương khó khăn, chưa cân đối được ngân sách;
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các phương tiên thông tin điện tử, mạng internet...Phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí; tăng cường chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên cơ sở ưu tiên “giờ vàng”cho các chuyên mục đó.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, phát huy nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác PBGDPL.