Đối với ĐH Ngoại thương, từ 2 phương thức tuyển sinh năm 2018, năm nay trường này đã tăng lên 4 phương thức, dự kiến gồm: xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng. Đặc biệt, phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT dự kiến triển khai vào tháng 5/2019, ngay sau khi các thí sinh kết thúc chương trình học THPT.
Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng xét tuyển theo nhiều phương thức. Cụ thể, ngoài đối tượng xét tuyển là thí sinh có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội còn xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Anh) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), về cơ bản, phương án tuyển sinh không thay đổi nhiều so với năm 2018. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà trường cũng cân nhắc, đề xuất thêm xét tuyển thẳng những thí sinh có học lực giỏi ở THPT và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt điểm cao; hay đối tượng học sinh đoạt học sinh giỏi cấp tỉnh, có kết quả giỏi ở THPT cũng có thể ưu tiên xét tuyển…
Còn PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đã đến lúc, chúng ta phải xem xét có một “sân chơi” công bằng và bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển. Bởi một số trường sử dụng xét tuyển bằng học bạ THPT và xác nhận nhập học trước thời điểm công bố kết quả thi THPT quốc gia. Cách làm này gây xáo trộn không nhỏ. Bên cạnh đó, thí sinh phải quyết định nhập học trước khi công bố kết quả sẽ tạo áp lực và giảm quyền lợi của các em.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng đề nghị bàn thêm về vấn đề này. Bộ GD&ĐT dự kiến một số sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh năm 2019; trong đó có việc các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, dù bất kì tỷ lệ nào cũng phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển chung. Tránh tình trạng có trường chỉ lấy một phần xét tuyển từ điểm thi, kết hợp với xét tuyển theo các phương thức khác; khi thí sinh chưa thay đổi nguyện vọng thì trường đã tách ra để xét tuyển. Đến lúc thí sinh thay đổi nguyện vọng thì không phù hợp, gây xáo trộn nhất định với thí sinh và với một số trường khác.