Theo quy định tại Điều 211, Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện….Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định có liên quan đến giám định tư pháp lại chưa quy định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau thì kết quả của lần giám định nào sẽ là kết quả chính thức được sử dụng trong việc giải quyết vụ án, điều này gây khó khăn trong hoạt động tố tụng.
Thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ án, cơ quan chức năng phải giám định lại nhiều lần với kết quả khác nhau, kết luận giám định tư pháp ở một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc lựa chọn kết quả giám định nào cho quá trình giải quyết vụ án là một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Về vấn đề này, theo Bộ Tư pháp, quy định của Luật Giám định tư pháp thì các cơ quan giám định tư pháp là độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định, không có quy định cơ quan giám định ở cấp nào là cao hơn, vì kết luận giám định tư pháp mang tính khoa học, là một trong những nguồn chứng cứ được thu thập theo thủ tục luật định, làm căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án.
Vì vậy, không nên đặt ra yêu cầu xác định “kết luận giám định cuối cùng”, vì không thể coi kết luận giám định của một cấp nào đó là tuyệt đối đúng, mà trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá cùng với các nguồn chứng cứ khác. Trường hợp có mâu thuẫn về kết luận giám định, trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quyết định trưng cầu giám định lại. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp đã có quy định (Điều 30) nhằm hạn chế việc giám định nhiều lần và có “điểm dừng”, theo đó, nếu vụ việc đã được Hội đồng giám định lại lần thứ hai thì không giám định lại nữa, trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Đồng thời theo quy định tại Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì: Kết luận giám định lại trong trường hợp do Hội đồng giám định thực hiện trong trường hợp đặc biệt được sử dụng để giải quyết vụ án.
Liên quan đến chế tài xử lý đối với trường hợp kéo dài việc giám định, xử lý giám định viên làm không đúng, không đầy đủ trách nhiệm khi thực hiện hoạt động giám định, Luật Giám định tư pháp đã có một số quy định có tính chất xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định; cấm việc cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định ; quy định nghĩa vụ của người giám định trong việc thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu. Tương ứng với các quy định nêu trên, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Tùy tính chất, mức độ vi phạm người giám định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 Bộ luật hình sự về tội từ chối kết luận giám định.