Sáng nay, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Trưởng ban Biên tập DTSĐHP, ông Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về DTSĐHP. Bản giải trình cho thấy các ý kiến cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản DTSĐHP.
Giữ nguyên tên nước, bản chất Nhà nước
Về tên nước, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua nghiên cứu, xem xét nhiều mặt, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về bản chất Nhà nước, nhiều ý kiến tán thành quy định tại Điều 2 của Dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thay cụm từ “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ “nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định ngắn gọn “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa nên Hiến pháp cần thể hiện rõ bản chất giai cấp của Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, tiếp tục quy định:
“Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức".
Quy định như vậy là phù hợp với Cương lĩnh và các văn kiện chính trị khác của Đảng khi xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta.
Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nên viết gọn lại theo hướng chỉ ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, còn bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng thì không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Điều lệ Đảng.
Một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đề nghị quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Điều 4 của Dự thảo.
Vẫn cần thiết phải có quy định về thu hồi đất
Một trong những vấn đề cũng tập trung ý kiến đông đảo của nhân dân là việc thu hồi đất. Qua tổng hợp, cân nhắc các ý kiến, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Để thống nhất với quy định tại Điều 32 của Dự thảo Hiến pháp, đồng thời làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất trong Luật đất đai và các luật có liên quan, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung quy định: “Việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định” vào khoản 4 Điều 54 của Dự thảo.
Trong bản giải trình của Ban Biên tập DTSĐHP cũng đã đề cập đến các vấn đề tập trung ý kiến của nhân dân và đại biểu quốc hội như Về hình thức dân chủ trực tiếp; Về nguyên tắc tập trung dân chủ; Về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công ; Về bình đẳng và bình đẳng giới; Về thẩm quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Về quyết định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân… Đa số các ý kiến đóng góp đều tán thành với nội dung dự thảo trong các nội dung này.
Sáng mai, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội trường Quốc hội vào ngày 5, 18 và 28/11/2013.