Nhiều mâu thuẫn vẫn chờ được lý giải trước ngày tuyên án Dương Chí Dũng

(PLO) - Mặc dù đã kéo dài thêm hai ngày so với dự kiến nhưng phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa thể làm rõ. 
Nhiều mâu thuẫn vẫn chờ được lý giải trước ngày tuyên án Dương Chí Dũng
Trước đó, Kiểm sát viên (KSV) tham gia phiên tòa cũng thẳng thắn thừa nhận “nhiều điểm còn mâu thuẫn, xin để Hội đồng xét xử (HĐXX) phán quyết” nhưng vẫn đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Không biết trong bản án phúc thẩm ngày 7/5 tới đây, HĐXX sẽ phán quyết ra sao về những mâu thuẫn mà KSV đã thừa nhận?
Với những “điểm mờ” dù đã trở lại xét hỏi vẫn không thể làm rõ trong diễn biến phiên phúc thẩm gay cấn đến nghẹt thở này, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, HĐXX sẽ phải cân nhắc việc nên hay không tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. 
Ụ nổi không phải là tàu biển
Theo bản án sơ thẩm và quan điểm của KSV thì một số bị cáo đã có hành vi “cố ý làm trái” trong việc mua, thanh toán, làm thủ tục nhập khẩu ụ nổi 83M, đã 43 năm tuổi. Theo quy định của Bộ luật Hàng hải thì ụ nổi phải được xác định là tàu biển, chịu quy chế điều chỉnh như tàu biển (đăng ký lần đầu ở Việt Nam không quá 15 năm tuổi…) 
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm thì đại diện Bộ GTVT lại cho rằng, ụ nổi chỉ là “cấu trúc nổi” mà không thể tự di chuyển được (cần phải có thiết bị kéo đi, hoặc đưa lên thiết bị khác để chở) nên nó không phải là tàu biển. 
Ngoài ra,  đại diện Bộ Tài chính cũng có ý kiến, Bộ luật Hàng hải có quy định, “điều ước quốc tế  có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. 
Đối chiếu với Công ước HS mà Việt Nam đã tham gia thì thấy, ụ nổi và tàu có hai mã số khác nhau, tức là chúng không cùng một loại hàng hóa. Như vậy, các cơ quan chức năng cũng có sự “nhầm lẫn” giữa ụ nổi và tàu biển, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc quy kết các bị cáo “Cố ý làm trái”.
Ai là người thỏa thuận “gửi giá” 1,666 triệu USD?
Trước khi Cty AP Singapore ký hợp đồng bán ụ nổi cho Vinalines với giá 9 triệu USD thì vào ngày 7/7/2007, Cty AP và Cty GS Nga đã ký thỏa thuận về việc ăn chia tiền bán ụ nổi: Cty GS được hưởng 4,334 triệu USD; Cty AP chuyển phải 1,666 triệu USD cho một bên thứ 3 do Cty GS chỉ định bằng thư tín dụng.
Bị cáo Trần Hải Sơn khai việc mình được Dũng chỉ đạo chia tiền “10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Dương Chí Dũng có vị trí cao nhất trong Vinalines nên bị coi là người chủ mưu, chỉ đạo trong vụ tham ô 1,666 triệu USD; Mai Văn Phúc bị coi là đồng phạm…
Tuy nhiên, tài liệu tương trợ tư pháp xác minh tại Singapore lại cho thấy, chỉ khi Vinalines giao dịch mua ụ nổi 83M với Cty GS không thành nên mới xuất hiện bên môi giới mới là Cty AP, nội dung trên được thể hiện rõ hơn qua bản khai có tuyên thệ của ông Goh. Như vậy, đối tác thực sự trong vụ mua bán ụ nổi 83M với Vinalines và dàn xếp việc lại quả 1,666 triệu USD là Cty GS chứ không phải ông Goh? Nhiều Luật sư (LS) nhận định, việc quy kết Dũng, Phúc có thỏa thuận với ông Goh về khoản “lại quả” này là không đúng. 
Về Việt Nam, 1,666 triệu USD đi đâu?
Theo lời khai của Trần Hải Sơn tại phiên tòa thì bị cáo này được Dương Chí Dũng chỉ đạo chia tiền theo tỷ lệ “10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Sơn báo cáo việc này với bị cáo Phúc thì được Phúc chỉ đạo tiếp “anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé”. Sau khi nhận hơn 28 tỷ đồng từ ngân hàng (quy đổi từ 1,666 triệu USD do Cty AP chuyển về tài khoản Cty Phú Hà) thì Sơn đã chuyển cho Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, cho em gái 2 tỷ, biếu Trần Hải Chiều 340 triệu và bản thân Sơn hưởng phần còn lại. 
Tuy nhiên, theo công bố của LS tại phiên tòa thì trong giai đoạn điều tra, Sơn có lời khai rất mâu thuẫn về việc “chia tiền” này. Nội dung đối chất với Phúc, Sơn lại khai khác hẳn. Tiếp đó, khi đối chất với Trần Hữu Chiều, Sơn lại thay đổi lời khai. Về “hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa Cty AP và Cty Phú Hà, Sơn cho rằng đây là hợp đồng “ảo” để hợp thức hóa việc chuyển 1,666 triệu USD tiền “lại quả” về Việt Nam. Bản thân Sơn còn thừa nhận “hợp đồng hợp tác do hai bên giữ chứ không được gửi tới ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền”.
Từ đây, nhiều LS đã đặt nghi vấn, hợp đồng hợp tác giữa Cty Phú Hà và Cty AP được lập ra với mục đích thật sự là gì? 1,666 triệu USD đã “trôi” vào dự án cảng thông quan nội địa tại Quảng Ninh của Cty Phú Hà (Cty của em gái và vợ bị cáo Sơn) hay được chuyển cho bị cáo Dũng, Phúc như theo lời khai của Sơn?
Chưa áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Diễn biến phiên tòa công khai thể hiện, Ngân hàng TMCP Hàng hải cho biết họ tra soát không ra được giao dịch nào thể hiện Sơn rút 2 tỷ bằng Chứng minh thư như Sơn khai để chuyển cho Phúc. “Nếu không tra soát được thì phải coi là không có chuyện Sơn rút tiền, không có chuyện Sơn đưa tiền cho Phúc. Cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.”- LS bào chữa cho Phúc đề nghị.
Bên cạnh đó, lời khai của Sơn về việc đưa tiền cho Dũng và Phúc cũng có nhiều mâu thuẫn, không khớp về thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền khiến dư luận có cơ sở để nghi ngờ phải chăng Sơn “ăn cả” rồi đổi vấy cho “sếp” Dũng và Phúc. 
Ngoài ra, ngay cả lời khai của Sơn về việc bị cáo này đưa tiền cho em gái mình là Trần Thị Hải Hà cũng mâu thuẫn và được Sơn lý giải là “bị cáo không nhớ”. Với những “điểm mờ” khó có thể làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm như trên, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì HĐXX rất khó tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc./.

Đọc thêm