Xác định rõ mô hình trung tâm tài chính
Cuộc thẩm định có đầy đủ các đại diện thành viên tham gia hội đồng thẩm định của các bộ ngành cùng các chuyên gia, luật sư chuyên về thương mại quốc tế. Các ý kiến tại cuộc thẩm định tập trung vào việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế vận hành cho TTTC tại Việt Nam.
Theo đó, hầu hết các thành viên tham gia cuộc thẩm định đều đề cập đến vấn đề cần xác định rõ mô hình tổ chức của TTTC. Bởi theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, với hai địa điểm chính là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa hai địa điểm này, vai trò và định hướng phát triển riêng biệt của trung tâm tại từng địa phương.
Bà Lê Thị Thùy Trang - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc xây dựng 1 TTTC tại 2 địa điểm là thay đổi hết sức cơ bản bởi lẽ có thể sẽ có 2 ủy ban điều hành TTTC nhưng cơ quan quản lý điều hành là đơn vị bộ ngành nào thì chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các ủy ban điều hành này có được ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cũng là vấn đề cần bàn. Đáng chú ý, bà Trang đánh giá, dự thảo đang “mở” hết cỡ cho các thành viên trong TTTC, đang đặt nặng quyền nhiều hơn là nghĩa vụ như đăng ký vào mà không cần dự án, không cần cấp giấy phép...
Cơ chế giải quyết tranh chấp tại TTTC cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến. Theo đó, dự thảo đề xuất thành lập một trung tâm trọng tài độc lập thuộc trung tâm tài chính để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về mô hình này, vì các trung tâm tài chính quốc tế lớn thường có tòa án chuyên biệt để giải quyết tranh chấp, chứ không chỉ dựa vào trọng tài.
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, về giải quyết tranh chấp, cần phải hướng tới cho TTTCQT một phương thức giải quyết nhanh, hiệu quả bình đẳng và dân chủ nhất có thể. Từ đó, TTTC mới có sức hút bởi nếu các tranh chấp, xung đột trong TTTC mà bị vướng, không thoát ra được là ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Do đó, cần có các cơ chế giải quyết đặc thù; Theo GS Hạnh, các TTTC khác sử dụng phương thức tranh chấp lựa chọn, dùng trọng tài là chính, còn trọng tài có nằm trong khu TTTC hay không thì cần nghiên cứu thêm.
Cần mở rộng điều kiện thành viên của TTTC
Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng nhà nước) cho biết, đối với hoạt động quản lý ngoại hối, về nguyên tắc thì Ngân hàng Nhà nước đang đang đề xuất theo hướng, các hoạt động của các thành viên TTTC với nhau và hoạt động của thành viên trung tâm tài chính với phần còn lại của Việt Nam. Trong đó chấp nhận cho các thành viên trong TTTC thực hiện theo khuôn khổ các thông lệ quốc tế, còn đối với trường hợp mà các thành viên TTTC có các giao dịch với bên ngoài trung tâm thì cần rất thận trọng, có thể áp dụng các quy định hiện hành.
Ngoài ra, tại cuộc thẩm định, đại diện các bộ ngành, ngân hàng cũng đề cập đến vấn đề thành viên của TTTC. Theo đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề, quy định thành viên của TTTC là các pháp nhân, tuy nhiên, có thể các quỹ tài chính, quỹ đầu tư, không có tư cách pháp nhân.
Điều này được đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đại diện nhóm công tác ngân hàng nước ngoài cùng cùng đề cập đến. Theo đó, đại diện 2 hiệp hội này cho rằng cần định nghĩa rõ ràng về thành viên tham gia TTTC bởi nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân trong khi đó, ở các quốc gia mà các ngân hàng này hiện diện đều là thành viên của các TTTC tại các quốc gia sở tại. Cụ thể, nếu Việt Nam quy định thành viên TTTC là các pháp nhân thì hiện tại, có tới hơn 30 chi nhành ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không đủ điều kiện tham gia TTTC.
Ngoài ra, đại diện 2 hiệp hội, nhóm ngân hàng này cũng đều cho rằng, nếu đặt yêu cầu vốn điều lệ với các ngân hàng chi nhánh, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp có uy tín mới đủ điều kiện là thành viên TTTC chưa phù hợp, do đó, cần mở rộng hơn quy định này với điều kiện yêu cầu “tổng tài sản” của các đơn vị này.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Mai Hương – Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết đang được viết dưới dạng 1 nghị quyết thí điểm, đang đề cập đến việc thí điểm trong 5 năm, chính vì vậy, cần có 1 cơ chế giải quyết quyền lợi cho các chủ thể, để các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào TTTC.
* Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh:
"Cần phải đánh giá tác động chính sách, có quy trình chặt chẽ"
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. (Ảnh: PV)
Về cơ quan giám sát, chúng ta cần cân nhắc có nên thành lập một cơ quan giám sát TTTC không, hay là chúng ta sử dụng cơ cấu giám sát tài chính, ngân hàng hiện hành. Bởi theo Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị phải bảo đảm phòng, chống được rủi ro. Chúng ta thu hút đầu tư nhưng mà phải bảo đảm ổn định nền kinh tế. Điều này cũng liên quan đến việc huy động đầu tư tài chính từ Trung tâm, thu hút các thành viên vào Trung tâm. Nếu như nhà đầu tư cho rằng cơ quan quản lý áp dụng pháp luật có vấn đề mà họ kiện theo Hiệp định bảo hộ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì Chính phủ sẽ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường
Thông báo 47 của Trung ương cũng cho phép chúng ta quy định cơ chế đặc thù vượt trội so với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trong Tờ trình, chúng ta chưa nêu rõ từng nội dung của 16 chính sách là vượt quy định các luật hiện hành để đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thảo luận. Nếu quy định cơ chế đặc thù vượt trội thì chúng ta phải đánh giá tác động, không đánh giá tác động mà sau này phát sinh trách nhiệm thì ai chịu trách nhiệm?
Bên cạnh đó, những nội dung cần giao Chính phủ quy định cụ thể cũng chưa rõ và dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế là Quốc hội giao cho Chính phủ quy định những vấn đề khác luật để giải quyết vướng mắc trong quá trình vận hành Trung tâm. Phải chăng Chính phủ chỉ quy định những nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý và cơ quan giám sát? Hoặc Quốc hội giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục giải quyết về mặt tố tụng, dân sự, hành chính… để tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm nhằm bảo đảm nhanh gọn, công bằng, theo đúng nguyên tắc pháp quyền, thông lệ quốc tế. Còn những vấn đề mang tính chất chính sách thì cần phải đánh giá tác động và phải có quy trình chặt chẽ.
Về áp dụng pháp luật, qua ý kiến của các thành viên Hội đồng thì chúng ta cũng thấy là khác với trung tâm tài chính đặt ở các đặc khu kinh tế như Hồng Kông thì rõ ràng là TTTC của chúng ta được quy định đặc thù là đặc thù so với pháp luật Việt Nam, trên nền tảng pháp luật Việt Nam, chứ không phải là tạo lãnh thổ riêng, quy chế pháp lý riêng, tài phán riêng. Vì thế, cần nêu rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật là thống nhất theo pháp luật Việt Nam và chính các chính sách, cơ chế đặc thù này cũng là pháp luật Việt Nam.
* GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): "Cho phép các bên chọn phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn"
GS.TS Lê Hồng Hạnh. (Ảnh: PV)
Nếu như TTTC được thành lập ra theo dự thảo Nghị quyết thì về cơ bản, tôi nghĩ không có quyền hành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vì chúng ta đang áp dụng ở trong đó pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, trong đó pháp luật quốc tế phải do Quốc hội chấp nhận thì mới có hiệu lực; pháp luật Việt Nam, ví dụ như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán… phải do Quốc hội ban hành. Thế khi mà TTTC ban hành các văn bản quy phạm pháp luật xung đột với những Luật trên thì có được hay không? Chắc chắn là sẽ phải xung đột chứ vì chúng ta chưa cho cơ chế riêng mà UBND các địa phương hiện nay đã ban hành rất nhiều văn bản trái với luật, xung đột với pháp luật và Bộ Tư pháp quản rất chặt việc này có thể trả lời ngay là có bao nhiêu văn bản hiện nay đang xung đột, cần phải hủy bỏ, cần phải sửa đổi bổ sung. Vậy để cho TTTC ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ như thế nào?
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, tôi nghĩ là phải có cơ chế đặc thù và cơ chế giải quyết tranh chấp trong các TTTC tìm mọi cách để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Tòa án. Các TTTC khác cũng dựa vào nguyên lý này, họ không dùng đến Tòa án quốc gia mà dùng phương pháp giải quyết tranh chấp lựa chọn, nhất là trọng tài. Hướng đi là như vậy. Còn trọng tài có nằm trong TTTC hay không trực thuộc TTTC mà có thể lựa chọn các trung tâm trọng tài hiện có thì chúng ta phải nghiên cứu và tìm hiểu xem phương án nào là tốt nhất.
Tôi làm trọng tài, xét xử khoảng 32 năm và khi xử lý tranh chấp tài chính thì thường mời những chuyên gia tài chính, ngân hàng hàng đầu. Vậy trong dự thảo Nghị quyết, chúng ta phải tiếp cận làm sao để có một cơ chế trọng tài nổi bật tại TTTC và cho các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, chủ yếu là hòa giải và trọng tài.