Nhiều rào cản phát triển năng lượng tái tạo

(PLVN) - Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI), Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã định hướng phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ…
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Sẽ có cuộc đổ bộ lớn của các nhà đầu tư!

Phát biểu tại "Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển NLTT tại Việt Nam" do VCCI tổ chức hôm 28/10, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã nhấn mạnh, Nghị quyết 55 không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực NLTT ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu hướng phát triển, đảm bảo nhu cầu năng lượng của khu vực. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. 

“Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực NLTT, đây thực sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam” - Chủ tịch VCCI quả quyết.

Theo Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương), trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án NLTT. Theo đó, đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.245MW). Trong đó, chỉ riêng trong quý II/2019 có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000MWp được đưa vào vận hành. 

Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành Điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhận định, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính.

“Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ. Việc quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Nhiều điểm nghẽn

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam, nhớ lại, khi DN bắt đầu đầu tư dự án điện vào năm 2016, dự án công suất trên 50MW thì phải trình Thủ tướng chấp thuận. ”Đáng nói, một bộ hồ sơ gửi lên, Bộ Công Thương sẽ gửi xin ý kiến 12 đơn vị sau đó mới trình Thủ tướng, chưa kể tất cả các cấp địa phương sẽ thẩm định sau khi Thủ tướng phê duyệt. Vậy chưa nói đến cấp địa phương, chỉ cần 1 trong 12 cơ quan trung ương này “buồn” chút thôi là dự án dừng lại" - ông Bắc chia sẻ.

Cùng với thủ tục cấp phép, một loạt vấn đề về chính sách, đất đai, giá FIT… cũng khiến DN này lao đao. Cụ thể, DN này cho biết, chính sách do Chính phủ đưa ra, nhưng 2 năm sau lại thay đổi, trong khi thủ tục DN theo 3 năm chưa xong. Việc liên kết, liên doanh với bà con nông dân là không thể do quy định đất đai phải được thu hồi sau đó mới cho thuê lại. DN rất khó làm việc với từng bà con. Bên cạnh đó, giá đền bù đất hiện cũng chưa có. Giá FIT đã hết hạn trong khi đấu giá chưa được thực hiện. Mới đây, Ngân hàng thế giới đưa ra khuyến cáo mức giá FIT cho NLTT là 4,1 cent, ông Bắc đánh giá “là không đúng” vì tham vấn này dựa trên khảo sát đầu tư của Campuchia

DN này cũng đề nghị cần bình đẳng trong công tác đấu thầu bởi đang có sự phân biệt các loại điện gió, điện mặt trời, điện LNG.

Chủ tọa Diễn đàn.
 Chủ tọa Diễn đàn.

TS Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) - cho biết, cùng với Halcom, DN này đã đưa công nghệ điện rác với công nghệ Đức, công nghệ khí hóa rác thải sau khi phân loại để biến thành điện năng. Điện rác có tác động kép với xã hội vừa cung cấp điện tái tạo, dùng liên tục, giờ phát điện của nhà máy điện rác là 8.600h/năm. Thời gian sửa chữa vận hành 30 năm không hỏng hóc, thu hồi vốn trong 15 năm. Tuy nhiên, cái khó vẫn là thủ tục phức tạp khiến DN đưa công nghệ này vào từ 2016 đến nay chưa được cấp phép.

Ông Tân cho biết thêm, trước kia Bộ Xây dựng được giao là đơn vị chủ quản cho vấn đề điện rác, giờ chuyển sang Bộ TN&MT nhưng đến nay chưa có tiêu chí về công nghệ điện rác. DN đã tổng kết và đưa ra 13 tiêu chí cần có để lựa chọn công nghệ điện rác cho Việt Nam, tuy nhiên bao giờ DN được cấp phép vẫn là câu hỏi ngỏ..,

Theo ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, mặc dù điện gió và mặt trời đã có quy hoạch, điện mặt trời quy hoạch 2020 có 850 MW nhưng năm 2019 đã phê duyệt gấp 10 lần. Điện gió đã có chính sách giá FIT. Tuy nhiên đầu tư điện gió có nhiều cái khó, trong khi chính sách cho điện gió chưa hợp lý. DN cũng có kiến nghị để gia hạn ưu đãi nhưng chưa biết có được gia hạn hay không. “Nếu không được gia hạn ưu đãi thì liệu năm 2021 có đạt được 2.000 MW, năm 2025 có đạt được 5.000 MW không?” – ông Thịnh băn khoăn.

Về chính sách phát triển NLTT, từ góc độ nhà đầu tư và tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư, ông Thịnh cho rằng không cần phải có luật về NLTT bởi luật pháp của Việt Nam đã bao trùm tất cả. “Để làm một dự án có 5- 6 luật chi phối như Luật xây dựng, Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật đất đai,… tạo nên một vòng tròn để DN hoạt động. Càng nhiều vòng tròn thì room cho DN hoạt động ngày càng nhỏ. Vấn đề là chúng ta thực thi những cái đang có như thế nào?” – Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận phát biểu.

Trao chứng nhận ““ự án NLTT tiêu biểu Việt Nam năm 2020”

Trong khuôn khổ Diễn đàn,  Ban tổ chức đã trao chứng nhận “Dự án NLTT tiêu biểu Việt Nam năm 2020” lần thứ nhất.

Đây là các dự án được Hội đồng Tư vấn khoa học, Giáo dục và Môi trường (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cùng các chuyên gia đầu ngành về kinh tế về NLTT, về môi trường thẩm định và đánh giá đảm bảo các tiêu chí như: Hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp tốt trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm và đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội đồng bình chọn, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường, UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận cho các dự án.
 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội đồng bình chọn, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường, UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận cho các dự án.

Theo Ban tổ chức, sau hơn 2 tháng kể từ ngày thông báo, đã có 30 dự án gửi về tham gia xét duyệt. Sau 5 vòng chấm, Ban giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu của ngành NLTT đã lựa chọn được 11 dự án tiêu biểu đã đi vào hoạt động để vinh danh.

10 dự án được trao chứng nhận tại Diễn đàn là: 1) Tổ hợp điện gió, điện mặt trời Trung Nam, 40 MW+204 MWp – Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam; 2) Nhà máy Năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 3, 420 MWp – CTCP  Năng lượng DT 3; 3) Nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 2, 100.5 MWp – CTCP BCG ENERGY; 4)Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, 210 MWp – CTCP Tập đoàn Sao Mai; 5) Công ty Năng lượng TTC – Hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà De Heus Đồng Nai, 962.37 kWp – CTCP năng lượng TTC; 6) Nhà máy điện gió Phú Lạc, 26 MW – CTCP Phong điện Thuận Bình; 7) Nhà máy phong điện Phương Mai 3, 21 MW – CTCP HALCOM Việt Nam; 8) Nhà máy mặt trời Mũi Né, 40MW – CTCP Đức Thành Mũi Né; 9) Nhà máy điện mặt trời Phong Phú, 42 MWp – CTCP  Đầu tư điện mặt trời; 10) Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, 48 MWp – Công ty TNHH Hà Đô Bình Thuận.

Đọc thêm