Coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin
Một giải pháp được rất nhiều địa phương đề cao chính là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Như tại Khánh Hòa, ngành Tư pháp tỉnh xác định, để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2019, cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng hệ thống E-office, chữ ký số và chứng thư số.
Riêng về công tác thi đua – động lực để hoàn thành nhiệm vụ, Tư pháp Lâm Đồng đã phát động và kiểm tra, đánh giá các phong trào thi đua sát với thực tế và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị.
Cũng nêu giải pháp trong công tác thi đua, lãnh đạo Sở Tư pháp Bến Tre yêu cầu phải tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản do Trung ương và tỉnh ban hành có liên quan đến phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, “Đồng Khởi, khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”, “Nông thôn mới”, “Cải cách hành chính”. Đồng thời, hành động thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực do ngành phụ trách với phương châm “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cũng đề ra và triển khai rất nhiều giải pháp.
Ví dụ như đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với phương châm hướng về cơ sở; khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật tại các địa phương; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở; đẩy mạnh hiệu lực quản lý nhà nước về các hoạt động bổ trợ tư pháp...
Quán triệt chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, những tháng qua, Sở Tư pháp TP HCM quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp ở 3 cấp, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan tư pháp trong việc tham mưu cho chính quyền thành phố nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tăng tính tương tác để phát huy hiệu quả của hình thức tương tác này. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp…
Tư pháp Đắk Lắk lại quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính ở các lĩnh vực của ngành Tư pháp; duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và Đề án cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong các lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức về dịch vụ hành chính công và yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 2443/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; phần mềm quản lý văn bản và điều hành (Idesk); hộp thư điện tử công vụ phiên bản năm 2015; phần mềm quản lý công chứng; cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3).
Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; vận hành thông suốt Trang thông tin điện tử của Sở để hướng dẫn, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về các lĩnh vực của ngành Tư pháp.
Ngành Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh chỉ đạo phải chú trọng các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Đề án Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kiến trúc Chính quyền điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu. Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định đây là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công việc trong điều kiện tinh giản biên chế hiện nay.
Điểm sáng tại Hòa Bình
Ngoài nỗ lực của cả tập thể đơn vị thì không thể phủ nhận vai trò “đầu tàu”, lãnh đạo của mỗi cá nhân Giám đốc Sở Tư pháp. Một trong số đó là Giám đốc Sở Tư pháp Hòa Bình Quách Đình Minh với nhiều sáng kiến trong công tác tư pháp được chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương. Tiêu biểu là sáng kiến “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện một số giải pháp mới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình”.
Là tỉnh miền núi, người dân có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác phổ biến pháp luật cho nhiều vùng sâu, vùng xa tại Hòa Bình gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước đây, do trình độ dân trí hạn chế nên mâu thuẫn trong nội bộ dân cư thường xảy ra.
Vì vậy, Sở Tư pháp Hòa Bình xác định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Trên thực tế, Sở Tư pháp đã không ngừng nỗ lực tham mưu, phối hợp tổ chức các chương trình nhằm phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Ông Minh chia sẻ: “Phổ biến pháp luật cho những hộ dân các xã nghèo luôn là bài toán khó cho các cán bộ tư pháp. Khi người ta vẫn đau đầu vì cảnh đói ăn, thiếu mặc thì làm sao đủ tâm trí để quan tâm đến kiến thức pháp luật”.
Hiểu rõ điều đó nên ông dành nhiều sự quan tâm cho công tác này với nhiều đổi mới trong cả nội dung và cách thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với người dân Hòa Bình. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Trung tâm tổ chức trên 100 đợt với trên 150 điểm tuyên truyền lưu động, vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, sáng kiến “Chỉ đạo và thực hiện một số giải pháp mới để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” được Hội đồng khoa học của tỉnh Hòa Bình công nhận và đánh giá xuất sắc.
Các cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp. |
Với sáng kiến này, tỉnh đã tập trung được nguồn lực và điều phối các nguồn lực kinh phí hợp lý, từ đó tất cả các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đều được thực hiện theo yêu cầu của Tỉnh ủy và của tỉnh, tiết kiệm được nhiều kinh phí, phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của tỉnh mà hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn đạt hiệu quả tốt.
Bước đầu áp dụng những sáng kiến này, ông Minh đã chỉ đạo thực hiện tại 2 xã Hưng Thi và Đồng Môn (huyện Lạc Thủy) là 2 xã đặc biệt khó khăn được UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp giúp đỡ. Thông qua các sáng kiến phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trên, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của bà con nhân dân tại địa bàn 2 xã đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên. Các vụ việc vi phạm do không hiểu biết pháp luật đã được hạn chế rõ rệt. Các vụ việc phạm tội liên quan đến ma túy từng bước được đẩy lùi. Nạn tảo hôn, nạn chặt phá rừng trái phép được hạn chế rất nhiều.
Cùng với giải pháp công nghệ, các địa phương vẫn tiếp tục duy trì những giải pháp mang tính truyền thống. Cụ thể, Khánh Hòa đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải tiến lề lối làm việc; đẩy mạnh kiện toàn bộ máy, nhân lực, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, địa phương; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở…
Còn Lâm Đồng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính khả thi cao, tránh chồng chéo, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các kế hoạch công tác ngay từ những ngày, tháng đầu năm; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác; đổi mới lề lối làm việc; chú trọng thái độ tiếp công dân; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực thi hành án dân sự, công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch tại địa phương.