Nhiều thủ tục hành chính ở Yên Bái còn rườm rà, phức tạp

 Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - nhận xét: “Sau 10 năm thực hiện cải cách, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, trong đó cũng có một số thủ tục do cấp Bộ quy định chứ không phải do cấp tỉnh nghĩ ra nên không sát với thực tế, làm giảm sự hài lòng của người dân và DN”.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - nhận xét: “Sau 10 năm thực hiện cải cách, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, trong đó cũng có một số thủ tục do cấp Bộ quy định chứ không phải do cấp tỉnh nghĩ ra nên không sát với thực tế, làm giảm sự hài lòng của người dân và DN”.

Thủ tục “đầu tiên” - ít được phát hiện

 - Ông đánh giá thế nào về kết quả đã đạt được của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010?

- Có thể nói, sau 10 năm thực hiện, hiệu quả nhìn thấy rõ nét là Chương trình đã giúp cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, bước đầu thực hiện việc cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. 

Ông Hoàng Thương Lượng (đứng) phát biểu tại diễn đàn QH
Ông Hoàng Thương Lượng (đứng) phát biểu tại diễn đàn QH

Để thúc đẩy tiến độ cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã có đề án đơn giản hóa về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 gọi là Đề án 30. Quá trình triển khai bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Đã giảm đáng kể các loại giấy phép con; chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã đã thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông giúp cho DN, người dân giảm được thời gian chờ kết quả giải quyết; giảm phiền hà phải đến xin ý kiến ở nhiều cửa; có nhiều thủ tục hành chính phiền hà đã được bãi bỏ; kết quả của việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa về thủ tục hành chính bước đầu đã giảm được chi phí cho cơ quan, DN và người dân.

Theo Đề án 30, nếu thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt 30 - 37% sẽ giảm được chi phí, về thủ tục hành chính cho người dân và DN khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền đáng kể để người dân và DN dành cho giải quyết nhu cầu đời sống cho đầu tư và phát triển, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo tôi việc thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, liên quan đến công dân và DN cũng còn bộc lộ một số tồn tại.

- Đó là những tồn tại, hạn chế cụ thể nào, thưa ông?

- Theo tôi, việc ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính và Đề án 30 so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì mới đạt được một số kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, mô hình cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn kém hiệu quả, năng lực cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế.

Điều kiện giúp cho việc thực hiện cơ chế này không được quy định rõ ràng, không ít nơi còn biểu hiện hình thức, nhất là ở cấp xã, đặc biệt ở xã có nhiều khó khăn. Còn tình trạng ở xã bộ phận một cửa có nơi ngồi làm việc ở phòng không có cửa, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực về “thủ tục hành chính đầu tiên” ít được phát hiện và chậm được xử lý.

Trên thực tế, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; trong đó, cũng có một số thủ tục do cấp bộ quy định chứ không phải do cấp tỉnh nghĩ ra, không sát thực tế, khó thực hiện làm giảm sự hài lòng của người dân và DN.

Vận dụng cũ - mới lại phát sinh phiền hà

- Với những hạn chế như vừa phân tích, ông có kiến nghị giải pháp gì để khắc phục không?

- Để khắc phục những hạn chế trên, đối với Quốc hội, tôi kiến nghị trong công tác xây dựng luật, bên cạnh việc tăng tính pháp lý của luật cần quan tâm giảm mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ quy định thực hiện nhiều điều trong luật khi Quốc hội thông qua, nhất là nội dung liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người dân và DN.

Hai là phải tăng cường giám sát, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với công chức cơ quan công quyền trong thực thi nhiệm vụ, trong đó có việc giám sát tại địa phương của các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, giám sát của HĐND, giám sát của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp, sớm sửa đổi một số điều không còn phù hợp của luật liên quan đến người dân và DN thường làm phát sinh thủ tục hành chính và khiếu kiện như Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật DN v.v...

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tôi cho rằng cần tập trung rà soát sớm điều chỉnh những thay đổi, quy định không còn phù hợp liên quan đến cải cách hành chính trong đó có thủ tục hành chính gây phiền hà đến người dân và DN, đối với một số Nghị định của Chính phủ và thông tư ban hành đã lâu, vấn đề này ở phạm vi nào đó cũng làm phát sinh việc "trên bảo dưới không nghe", bởi vì một số thủ tục quy định đã quá lâu không phù hợp, khó khăn cho công tác điều hành và thực hiện ở địa phương. Thậm chí, có việc phải vận dụng giữa quy định cũ và luật mới, lại phát sinh “phiền hà” mơi.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm tổ chức đánh giá tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 theo Quyết định số 136 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, chức năng quản lý nhà nước liên quan, khi ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định có liên quan đến thủ tục hành chính cần chú trọng đơn giản hóa, cắt giảm mạnh quy định các thủ tục hành chính liên quan.

Mặt khác, phân cấp mạnh thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cấp bộ, cấp tỉnh, giảm việc phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định quá nhiều vấn đề cụ thể trực tiếp ở địa phương, làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính trung gian và phạm vi nào đó cũng sẽ làm gia tăng việc có cấp xin - cho, phát sinh tiêu cực và nhũng nhiễu.

Cùng với chương tình tổng thể cải cách hành chính của Chính Phủ, tôi đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng nghiên cứu, đổi mới một số quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều hành của chính quyền, vai trò của tổ chức chính trị, xã hội liên quan đến họat động chính quyền trong đó có ở cấp tỉnh, cấp huyện. Ví dụ cần có quy định thống nhất cả nước rõ nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, hiện đang do các Tỉnh ủy quy định, nên có một số nhiệm vụ chưa được thống nhất cung giữa các tỉnh, trong đó có liên quan đến phân cấp quản lý, tổ chức cán bộ thuộc cơ quan hành chính Nhà nước.

- Tại Yên Bái, trong thời gian qua, việc thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính có gặp khó khăn nào không và hướng giải quyết của địa phương  như thế nào?

- Thực hiện chương trình cải cách hành chính Nhà nước, bên cạnh kết quả đã đạt được thì tỉnh Yên Bái cũng còn bộc lộ một số tồn tại như việc triển khai thiếu đồng bộ, chưa thật quyết liệt, hiệu quả chưa đạt theo mục tiêu thời gian.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cũng sẽ tập trung thực hiện để đạt kết quả tích cực hơn, trong đó quan tâm một số các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng trong hệ thống chính trị với công tác cải cách hành chính, trong đó có vai trò của đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp, Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chúng tôi cũng coi trọng sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn, coi đây là một giải pháp có tính đột phá chung trong tổ chức thực hiện, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh Yên Bái cũng xác định phải có biện pháp đột phá, tạo sự quyết tâm mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các cấp chính quyền trong thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra, trong đó có thanh tra công vụ, phát hiện và giải quyết kịp thời biểu hiện "trên bảo dưới không nghe", trên thì “nhả phanh”, trung gian giữa và dưới tìm cách “phanh lại”, thậm chí “dừng lại”. Các trường hợp vi phạm đều phải xử lý theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm