Nhiều tỉnh, thành tập trung ứng phó với mưa, lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, ngày 30/10, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Tình hình mưa lũ ở Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp.
Tình hình mưa lũ ở Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp.

Từ chiều 30/10 đến 31/10, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa rất to lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 80 - 150mm, có nơi trên 200mm. Từ chiều 30/10 đến sáng 02/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 400mm.

Các chuyên gia cảnh báo, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Tại Hà Tĩnh, chiều 30/10, mưa lớn tại nhiều địa bàn của Hà Tĩnh khiến nước sông Ngàn Sâu lên nhanh, một số xã vùng hạ du của huyện Vũ Quang bị ngập sâu, sạt lở đất đá cũng xảy ra trên tuyến ĐT 553 ở Hương Khê; nhiều hộ dân ở Can Lộc phải di dời tài sản... Tại Km354+900 - 355+750 khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt (tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở nền đường. Nhiều đoạn đất đá, cây xanh sạt lở tràn ra đường ray. Có đoạn đường ray bị trôi nền đường và “hở hàm ếch” trơ trọi nhìn rõ cả ray bê tông. Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, các đơn vị đang tập trung khắc phục sự cố, bảo đảm mọi mặt để thông đường trong thời gian sớm nhất.

Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực trũng thấp để chủ động các phương án (di dời dân) khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của thời tiết trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền biết. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí trọng điểm xung yếu…

Cũng trong ngày 30/10, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 2519/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, với tổng chiều dài khoảng 4,7km. Đáng chú ý, trường hợp xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm du lịch, nhà ở, đất đai, hoa màu của các hộ dân sinh sống bên trong… Hiện khu vực sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân; 15 căn nhà ở bị ảnh hưởng (sập hoàn toàn 4 căn và phải di dời đến nơi an toàn 11 căn); hư hỏng hoàn toàn 100m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao…

Ngành chức năng tỉnh Bến Tre thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND huyện Ba Tri chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả sạt lở theo quy định. Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác ứng phó, xử lý, khắc phục sạt lở...

Để chủ động ứng phó mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cũng có công văn chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất...

Còn ở Quảng Ngãi, mưa lớn gây gây ngập cục bộ tại một số vùng trũng, thấp. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ. Các địa phương quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền...