Nhiều trường đại học phía Nam công bố điểm chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Tài chính – Marketing, Đại học Giao thông vận tải TP HCM vừa công bố điểm trúng tuyển. Ngoài ra, một số trường dành chỉ tiêu cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT.
Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM công bố điểm trúng tuyển đợt 2 phương thức xét học bạ lớp 12 với mức cao nhất ở ngành Công nghệ thực phẩm là 25,25 điểm. Nhiều ngành lấy điểm chuẩn trên 24 gồm: Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh; ngành còn lại lấy điểm chuẩn 18-23,5.

So với điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 (xét điểm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 với các ngành đại học hệ chính quy; tổng của điểm trung bình năm lớp 10, 11, 12 với chương trình đại học liên kết quốc tế), điểm chuẩn đợt này nhỉnh hơn 1-1,5 ở nhiều ngành.

Năm nay, Đại học Công nghiệp thực phẩm tuyển 3.500 thí sinh ở 34 ngành với 4 phương thức: xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực. Trường tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 2 theo phương thức xét học bạ lớp 12 đến ngày 30/8 với 16 ngành.

ĐH Tài chính - Marketing công bố điểm chuẩn ba phương thức xét tuyển: Ưu tiên xét tuyển thẳng dựa vào điểm học tập THPT; xét học bạ THPT và xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức.

Với phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng, điểm chuẩn là tổng điểm trung bình theo tổ hợp xét tuyển (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có). Riêng ngành ngôn ngữ Anh, điểm trung bình Tiếng Anh được nhân hệ số 2 sau đó quy ra thang điểm 30.

Với phương thức xét điểm học bạ THPT, điều kiện là thí sinh tốt nghiệp các năm 2019-2021, tổng điểm trung bình các môn học trong tổ hợp năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 từ 18 trở lên.

Với phương thức xét điểm đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức, Marketing và Kinh doanh quốc tế là hai ngành có điểm chuẩn cao nhất là 900 (thang điểm 1.200).

Năm nay, ĐH Tài chính - Marketing có 4.500 chỉ tiêu ở các hệ đại trà, đào tạo theo cơ chế đặc thù, chất lượng cao và chương trình quốc tế. Ngoài ba phương thức tuyển sinh đã công bố điểm chuẩn trên, trường còn xét tuyển thẳng và dành chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đại học Giao thông Vận tải TP HCM công bố điểm trúng tuyển phương thức xét học bạ THPT (trung bình môn 5 học kỳ, trừ học kỳ 2 lớp 12) của tổ hợp 3 môn xét tuyển với mức 18-29,4.

Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 29,4; tiếp đó là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức) 29,1; Công nghệ thông tin 28,2.

Các ngành lấy điểm chuẩn trên 27 gồm: Kỹ thuật ôtô, Khai thác vận tải, Kinh tế vận tải, Khai thác vận tải (chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức).

Trường đại học Giao thông Vận tải tuyển 1.610 chỉ tiêu ở 28 ngành, chương trình đại trà và chất lượng cao. Trường có 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực 29 ngành. Điểm trúng tuyển xét học bạ lớp 12 tổ hợp 3 môn là 18 điểm, xét học bạ 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) là 30 điểm cho tất cả ngành.

Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, điểm trúng tuyển cao nhất là 750 (thang điểm 1.200) với ngành: Kinh doanh quốc tế, Luật quốc tế, Quan hệ quốc tế.

Các ngành Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Hàn có điểm trúng tuyển là 700; 23 ngành còn lại có điểm chuẩn 650.

Cùng ngày, trường cũng đã công bố điểm trúng tuyển của phương thức xét tuyển học bạ đợt 31/7. Theo đó, mức điểm trúng tuyển đợt này là 18 điểm với xét học bạ lớp 12 tổ hợp 3 môn và 30 điểm với xét học bạ 5 học kỳ.

Năm nay, nhà trường thực hiện 4 phương thức xét tuyển là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét theo kỳ thi đánh giá năng lực với thí sinh đạt 650 điểm trở lên, xét học bạ theo tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét học bạ theo điểm trung bình 5 học kỳ đầu THPT. Tổng chỉ tiêu của trường tuyển là 3.495 với 29 ngành đào tạo đại học chính quy.

Bên cạnh đó, nhiều trường cũng dành chỉ tiêu cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dành 5% chỉ tiêu (tức là 175 chỉ tiêu) để xét tuyển thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 hoặc thí sinh đặc cách tốt nghiệp. Trường ĐH Bách khoa TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng dự kiến dành tối đa khoảng 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp. Phương thức xét tuyển gồm xét bằng điểm học bạ hoặc xét bằng điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.

PGS.TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường đã họp và quyết định điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp bối cảnh mới.

Theo ông Xuân, trong đề án tuyển sinh đã công bố, trường chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, trong khi số lượng thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp còn khá nhiều. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trường sẽ điều chỉnh đề án theo hướng bổ sung phương thức xét riêng cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp để trình UBND TPHCM và Bộ GD&ĐT.

Ông Xuân cho biết, dự kiến sẽ có một số điều kiện đối với đối tượng thí sinh này. Đó là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên năm lớp 12; riêng các ngành y khoa, dược học và răng - hàm - mặt, thí sinh phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu là 7… Thí sinh đủ điều kiện được xét tuyển từ cao xuống thấp căn cứ điểm trung bình học bạ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ…

Đọc thêm