Từ khi thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, tình hình đăng ký quản lý (ĐKQL) hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Định có những chuyển biến tích cực; trình tự, thủ tục đăng ký các sự kiện hộ tịch như kết hôn, khai sinh, khai tử (KSKT)… cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại một số địa phương, nhất các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., tình trạng đăng ký KSKT quá hạn vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Người dân phường Bình Định (thị xã An Nhơn) liên hệ với cán bộ tư pháp-hộ tịch phường để làm thủ tục đăng ký khai sinh |
Tỉ lệ đăng ký KSKT quá hạn còn cao
Trong đợt kiểm tra công tác ĐKQL hộ tịch tại xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) mới đây, Sở Tư pháp Bình Định phát hiện trường hợp đăng ký KSKT quá hạn tại 2 địa phương này chiếm tỉ lệ rất cao. Cụ thể, tại xã Vĩnh Kim, trong năm 2011, tổng số trẻ em sinh ra được khai sinh là 50 em thì có tới 33 em đăng ký quá hạn và chỉ có 5 trường hợp được đăng ký khai tử.
Tại xã Vĩnh Hảo, trong tổng số 53 trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh thì cũng có tới 33 trường hợp đăng ký quá hạn, 10 trường hợp đăng ký khai tử thì có tới 8 trường hợp đăng ký quá hạn.
Còn trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định, theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp trong năm 2011 (từ ngày 1/1 đến 31/12/2011): Toàn tỉnh có 27.067 trường hợp đăng ký khai sinh; trong đó có 5.075 trượng hợp đăng ký khai sinh quá hạn (chiếm trên 18%). Cũng trong khoảng thời gian trên, toàn tỉnh có 10.543 trường hợp đăng ký khai tử; trong đó, số trường hợp đăng ký quá hạn là 5.979 (chiếm trên 56%). Đáng nói, hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, số trường hợp đăng ký khai tử quá hạn đều chiếm tỉ lệ rất cao.
"Truy" nguyên nhân
Bà Châu Thị Hương Lan, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp Bình Định, cho biết: “Theo quy định tại Nghị định số 158/CP, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha, mẹ hoặc những người thân thích khác có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em.
Còn trường hợp đăng ký khai tử, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chết, thân nhân trong gia đình phải có trách nhiệm đi khai tử cho người chết. Thế nhưng, do nhận thức của người dân; đặc biệt là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... đối với quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng đăng ký KSKT không đúng hạn còn cao; thậm chí có trường hợp không thực hiện việc đăng ký KSKT”.
Ngoài ra, xảy ra thực trạng trên một phần còn do lãnh đạo một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ việc ĐKQL hộ tịch, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân các văn bản pháp luật về hộ tịch để công dân tự giác thực hiện nghĩa vụ. Công chức tư pháp-hộ tịch chưa làm tốt công tác tham mưu cho UBND; cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, một số văn bản pháp luật quy định về công tác ĐKQL hộ tịch thiếu hoặc không còn phù hợp.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định: “Ngành chức năng và chính quyền địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác ĐKQL hộ tịch để nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hộ tịch. Bên cạnh đó, công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã phải thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đi đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch. Đối với những khu vực người dân còn bị chi phối bởi phong tục, tập quán hoặc điều kiện đi lại khó khăn, tư pháp-hộ tịch xã nên định kỳ đến tận nhà dân để đăng ký những sự kiện hộ tịch đã phát sinh”.
C.Luận